NHÀ NGUYỄN tồn tại từ năm 1802 đến năm 1945 truyền được 13 đời vua :
- Thời tự chủ : 1802 đến 1885
- Thời Pháp thuộc : 1885 đến 1945.
Quốc hiệu : NAM VIỆT - VIỆT NAM - ĐẠI NAM.
Kinh đô : Phú Xuân.

I/ LỊCH SỬ
1. Thế Tổ Cao Hoàng đế – Nguyễn Phúc Ánh (1802 – 1819 )

Niên hiệu : Gia Long.
Vua Gia Long húy là Nguyễn Phúc Ánh (Anh), còn gọi là Chủng hay Noãn, con thứ 3 của Nguyễn Phúc Côn (Luân) và bà Nguyễn Thị Hoàn. Ngài sinh ngày 15 tháng giêng năm Nhân ngọ (8-2-1762).
Năm 1775, lợi dụng sự suy sụp của Chúa Nguyễn do cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn, quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân khiến Nguyễn Ánh phải bỏ vào nam. Trải 24 năm đánh nhau với Tây Sơn khi được khi thua, nhờ có trí dũng và nhờ có các tướng tài giỏi theo phò tá, Nguyễn Phúc Ánh đã thống nhất được sơn hà và dựng nghiệp lớn cho nhà Nguyễn

2. Thánh Tổ Nhân Hoàng đế – Nguyễn Phúc Đảm (1820 – 1840)
Niên hiệu : Minh Mệnh.
Con trưởng của vua Gia Long là Hoàng tử Cảnh và con thứ là Hoàng tử Hi đã chết nên người con thứ ba là Nguyễn Phúc Đảm (Kiểu) lên ngôi lấy hiệu Minh Mệnh. Vua Minh Mệnh sinh ngày 23 tháng 4 năm Tân hợi (25-5-1781), ngài chăm lo việc nước, cải cách nhiều vấn đề lợi ích nhưng là ông vua nghiêm khắc, cấm đạo thiên Chúa, tánh đa nghi.

3. Hiến Tổ Chương Hoàng đế – Nguyễn Phúc Miên Tông (1841 – 1847)
Niên hiệu : Thiệu Trị.
Hoàng thái Tử tên là Miên Tông còn gọi là Tuyền hay Dung, sinh ngày 11 tháng 5 năm Đinh Mão (16-6-1807) 30 tuổi lên nối ngôi lấy hiệu là Thiệu Trị. Vua giữ theo chính sách của cha nên ít có sự thay đổi. Vua Thiệu Trị mất ngày 27 tháng 9 năm Đinh mùi (4-10-1847), thọ 41 tuổi ,làm vua 7 năm. Bài vị được đưa vào thờ ở thế miếu, miếu hiệu Hiến Tổ Chương Hoàng Đế, ngài có 64 người con (29 nam 35 nữ).

4. Dực Tông Anh Hoàng đế – Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (1847 – 1883)
Niên hiệu : Tự Đức.
Con thứ hai vua Thiệu Trị là Hồng Nhậm lên nối ngôi lấy hiệu là Tự Đức. Ông sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỷ sửu (22-9-1829) là vị vua thông minh, hiền lành, hiếu thảo, hiếu học, siêng năng. Nhưng dưới triều vua Tự Đức giặc giã hoành hành khắp nơi, các võ quan phải khó nhọc tiểu trừ. Việc giao thiệp với nước Pháp đến hồi căng thẳng vì nước Pháp lúc bấy giờ quyết tâm chiếm nước ta làm thuộc địa, để tranh giành quyền lợi buôn bán ở phương Đông với các nước khác.

5. Cung Tông Huệ Hoàng Đế – Nguyễn Phúc Ưng Chân (1883)
Niên hiệu : Dục Đức.
Lúc còn sống, vua Tự Đức không con nên chọn ba người cháu làm con nuôi là : Ưng Ái (sau đổi là Ưng Chân), Ưng Kỷ( sau là vua Đồng Khánh) và Ưng Đăng (sau là vua Kiến Phúc). Tháng 10 năm 1869 tức tháng 9 năm Kỷ Tỵ, Tự Đức chánh thức chọn Ưng Ái làm Hoàng Thái tử nối nghiệp và đổi tên Ưng Ái thành Ưng Chân lúc đó mới 18 tuổi.
Vua Tự Đức băng hà, Ưng Chân lên ngôi lấy hiệu là Dục Đức nhưng chỉ được ba ngày (từ 20-7-1883 đến 23-7-1883) đã bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế bỏ để lập Hồng Dật lên ngôi tức vua Hiệp Hoà. Vua Dục Đức bị giam tại nhà học không cho ra ngoài. Quan ngự sử Phan Đình Phùng thì bị Tường và Thuyết bắt giam rồi cách chức đuổi về.
Nguyên nhân vì tuy chọn Ưng Chân làm Hoàng Thái Tử nhưng vua Tự Đức lại có ghi trong di chiếu cá tính không tốt của Ưng Chân. Ưng Chân muốn xoá bỏ đoạn di chiếu không hay, bất lợi cho mình đó nên đã bàn với các Phụ chính đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, lợi dụng cơ hội này để hạ bệ Ưng Chân nên bề ngoài giả bộ tán thành sẽ không tuyên đọc di chiếu đó trước triều đình, bên trong lại quy ước với nhau : hễ không thấy tuyên đọc sẽ công khai phát giác để lấy cớ buộc tội Ưng Chân dám sửa đổi di chiếu. Mọi việc diễn ra đúng sự sắp đặt của các ông. Chỉ có ông Phan Đình Phùng dám đứng ra phản đối với lý do : “vua có lỗi thì trước hết phải can ngăn, chớ không thể tuất vua này, lập vua khác dễ dàng vậy”. Các phụ chính Đại thần vẫn đưa Hồng Dật lên thay Ưng Chân. Vua Dục Đức bị giam ở viện Thái Y rồi chuyển sang Ngục Thừa Thiên.
Ngài bị bỏ đói chết trong ngục thất, mất ngày 6 tháng 9 năm Giáp thân (24-10-1884) có 19 người con (11 nam 8 nữ). Đến năm 1892, đời Thành Thái (con Vua Dục Đức) truy tôn cha mình là Cung Tôn Huệ Hoàng Đế.

6. Phế đế – Nguyễn Phúc Hồng Dật (1883)
Niên hiệu : Hiệp Hoà.
Nguyễn Phúc Hồng Dật (Thăng) sinh ngày 24 tháng 9 năm Đinh mùi (1-1-1847) lên ngôi lấy hiệu là Hiệp Hoà. Vận nước ta đến hồi mạt nên quân Pháp đang lăm le chiếm trọn nước thì bên trong triều đình chỉ biết kết bè phái, hục hặc nhau. Ngày 13 tháng 7 năm Quí Mùi (27 ngày sau khi Tự Đức băng) Pháp lợi dụng triều đình ta bối rối, đem chiến Hạm vào tận Huế để đưa bản hoà ước Quí Mùi và bản tối hậu thư trong khi linh cữu vua Tự Đức còn quàn tại điện Cần Chánh. Hoà ước có 27 điều, sau đây là vài điều chính :
- Việt Nam nhận sự bảo hộ của Pháp
- Ngoại giao của Việt Nam do Pháp chủ trương
- Việc cai trị ở Bắc Kỳ, từ Đèo Ngang trở ra do các quan Việt Nam đảm nhận dưới sự kiểm soát của viên công sứ đại diện Pháp tại mỗi tỉnh.
- Triều đình Huế cai trị từ Khánh Hoà đến Đèo Ngang
- Tỉnh Bình Thuận thuộc về Nam Kỳ (thuộc địa Pháp)
- Viên khâm sứ ở Huế được tự do ra vào yết kiến nhà vua...
Nhưng vua Hiệp Hoà chỉ ngồi trên ngôi từ 19 tháng 6 đến ngày 30 tháng 10 năm Quý mùi (29-11-1883), làm vua được 5 tháng 10 ngày bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết ép uống thuốc độc tự vẫn cùng với Phụ chánh Trần Tiễn Thành.
Vua Dục Đức và Hiệp Hoà lên ngôi ngắn ngủi chỉ để bị chết sớm và khổ tâm ký hoà ước thua thiệt với bọn ngoại xâm.
Vua Hiệp Hoà được sử sách gọi là Nguyễn Phế Đế. Triều đình đưa Ưng Đăng lên ngôi. Năm 1891, Vua Thành Thái truy phong ngài là Văn Lãng Quận Vương, ngài có 17 người con (11 nam 6 nữ).

7. Giản Nghị Tông Hoàng đế – Nguyễn Phúc Ưng Đăng (1883 – 1884)
Niên hiệu : Kiến Phúc.
Nguyễn Phúc Ưng Đăng sinh ngày 2 tháng giêng năm Kỷ tỵ (12-2-1869) lên thay Hiệp Hoà và lấy năm sau là Giáp Thân làm niên hiệu Kiến Phúc năm thứ nhất. Vua còn nhỏ, 15 tuổi nên mọi việc vẫn do Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chủ trương.
Năm 1884, Pháp thấy nước ta yếu nên lại làm áp lực buộc ta ký thêm Hoà Ước thứ tư do ông Patenôtre. Đại diện Pháp Hoàng ký tên, nên gọi là Hoà Ước Patenôtre 1884, hay Hoà Ước Giáp Thân. Đây là ý để Pháp lấy hết nước ta, để chịu sự bảo hộ của Pháp.
Vua Kiến Phúc ở ngôi được 8 tháng, ngày 10 tháng 6 năm Giáp Thân (31-7-1884), vua băng hà. Bài vị đưa vào thờ ở Thế miếu, miếu hiệu là Giản Tông Nghị Hoàng Đế.

8. Nguyễn Phúc Ưng Lịch (1884 – 1885)
Niên hiệu : Hàm Nghi.
Ngày 11 tháng 6 năm Giáp Thân (1-8-1884) Tường và Thuyết tôn ông Nguyễn Phúc Ưng Lịch (Minh) sinh ngày 17 tháng 6 năm tân mùi (3-8-1871), 14 tuổi làm vua, niên hiệu Hàm Nghi, Ông Ưng Lịch là em ông Chánh Mông, người con nuôi thứ hai của vua Tự Đức.

9. Cảnh Tông Thuần Hoàng đế – Nguyễn Phúc Ưng Kỷ (1885 – 1888)
Niên hiệu : Đồng Khánh.
Vua Đồng Khánh tên Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, hiệu Chánh Mông sinh ngày 12 tháng giêng năm Giáp tý (19-2-1864) là con nuôi thứ hai của vua Tự Đức lúc đó 22 tuổi và là anh vua Hàm Nghi. Ngày mùng 6 tháng 5 năm Ất Dậu, ông Chánh Mông phải thân hành đến toà Khâm Sứ làm lễ tấn tôn, đặt niên hiệu Đồng Khánh.
Sau khi lập Đồng Khánh lên làm vua bù nhìn và chiếm thu kho tàng Nhà Nguyễn tại Huế, quân đội viễn chinh Pháp cấp cho Nam triều một khoản tiền mặt để chi dùng : 40.000 lượng bạc và 40.000 quan tiền đồng. Các kho ở các trấn bị chúng chiếm giữ. Hàng tháng chúng chiếu theo số tiền, gạo, lương bổng của Nam triều cần dùng bao nhiêu rồi trích kho cấp phát.
Vua Đồng Khánh làm vua được ba năm, mất ngày 27 tháng chạp năm Mậu Tý (28-1-1889), thọ 25 tuổi. Bài vị thờ ở Thế miếu, miếu hiệu là Cảnh Tông Thuần Hoàng Đế, ngài có 10 người con (6 nam 4 nữ).

10. Nguyễn Phúc Bửu Lân (1889 – 1907)
Niên hiệu : Thành Thái.
Khi vua Đồng Khánh mất thì các con hãy còn nhỏ, viên Khâm sứ Pháp ở Huế là Rheimart biết ông Dục Đức hồi trước, bắt triều đình tôn con ông Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân sinh ngày 22 tháng 2 năm Kỷ mão (14-3-1879) lên ngôi vua. Bấy giờ ông Bửu Lân mới 10 tuổi đang bị giam giữ với mẹ trong ngục thất. Triều đình vào ngục rước ông ra tôn lên làm vua, đặt niên hiệu Thành Thái, cử hai ông Nguyễn Trọng Hợp và Trương Quang Đản làm Phụ Chánh.
Lúc bấy giờ ở Bắc có nhiều Cần Vương, nghĩa sĩ chống Pháp như Nguyễn Thiệt Thuật, Đốc Tích, Tạ Hiện, Hoàng Hoa Thám, (Đề thám), Kỳ Đồng, Cai Kinh....ở miền Thanh Nghệ có Phan Đình Phùng, Cao Thắng...
Vua Thành Thái rất thông minh, sở trường về nho học. Ngài muốn canh tân xứ sở, chiêu quân chống Pháp nhưng các quan thời bấy giờ vẫn còn thủ cựu, nhút nhát, Ngài lại bị Pháp cho người theo dõi nên những ý tưởng cấp tiến không tài nào thực hiện được.
Năm 1907, Pháp dò biết ngài giao thiệp với nhóm Đông Du để cầu viện Nhật Bản nên ép Ngài nhường ngôi cho con là Thái Tử Vĩnh San, rồi giam giữ Ngài ở Vũng Tàu (Nam Việt). Đến năm 1916, Ngài bị bí mật đưa đi an trí ở đảo Réunion (thuộc địa Pháp gần Madagascar, Phi châu).
Tháng 5 năm 1947, Ngài được đưa về nước và sau Ngài mất tại Sài Gòn ngày 9 tháng 3 năm 1955, thọ 76 tuổi. Ngài có 45 người con (19 nam 26 nữ).

11. Nguyễn Phúc Vĩnh San (1907 – 1916)
Niên hiệu : Duy Tân.
Hoàng tử Nguyễn Phúc Vĩnh San sinh ngày 26 tháng 8 năm Canh tý (19-9-1900) là con thứ năm vua Thành Thái được triều đình đặt lên ngôi lúc 8 tuổi, hiệu là Duy Tân.
Mặc dù nhỏ tuổi nhưng ngài rất cương nghị và sớm có tinh thần yêu nước, vua Duy Tân uất ức vì thấy cha bị đưa đi an trí ở đảo Réunion, năm 1915, Ngài mới 16 tuổi nhưng đã quyết định lật đổ Pháp, giành lại tự do cho nước nhà. Ngài ngầm liên lạc với các nhà chí sĩ cách mạng thuộc Việt Nam Quang phục Hội là Thái Phiên và Trần Cao Vân, nhưng không may việc không thành. Cuộc tổng khởi nghĩa hoạch định vào ngày mồng 2 tháng 4 âm lịch tức là ngày 3 tháng 5 năm 1916 bị đổ bể, Ngài vừa rời khỏi thành liền bị bắt. Người Pháp đô hộ lại đưa Ngài sang đảo Réunion. Lúc bị đi đày, Ngài vừa 17 tuổi.

12. Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế – Nguyễn Phúc Bửu Đảo (1916 – 1925)
Niên hiệu : Khải Định.
Vua Khải Định húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo (Tuấn) sinh ngày 1 tháng 9 năm Aát dậu (8-10-1885) là con trưởng Vua Đồng Khánh. Khi Đồng Khánh băng, ngài mới 4 tuổi nên mãi đến năm 1916 sau khi Vua Duy tân bị Pháp đưa đi đày triều đình mới lập Bửu Đảo lên ngôi.
Ngài ở ngôi 10 năm (từ 18-5-1916 đến 6-11-1925) thì băng, thọ 41 tuổi. Bài vị đưa vào thờ ở Thái miếu, miếu hiệu là Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế, ngài chỉ có duy nhất một con trai là Hoàng Thái tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.

13. Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1926 – 1945)
Niên hiệu : Bảo Đại.
Con vua Khải Định là Hoàng tử Vĩnh Thụy sinh ngày 23 tháng 9 năm Quý sửu (22-10-1913), lúc bấy giờ đang theo học tại Pháp từ năm 1922. Vĩnh Thụy về nước thụ phong ngày 8-1-1926, lấy niên hiệu Bảo Đại rồi quay về Pháp tiếp tục học, ông Tôn Thất Hân được cử làm phụ Chính thân thần để thay vua nhiếp chính, đến năm 1932 vua Bảo Đại mới trở về nước để làm vua.

II/ ĐỒNG TIỀN THỜI NHÀ NGUYỄN

Tiền Gia Long.













Tiền Minh Mệnh.









Tiền Thiệu Trị.







Tiền Tự Ðức.







Tiền kẽm Tự Ðức.




Tiền Tự Ðức mệnh giá lớn.

Chuẩn văn ngũ thập (bằng 50 đồng tiền kẽm)



Chuẩn văn lục thập (bằng 60 đồng tiền kẽm)



Năm 1871, dưới triều Vua Tự Ðức, triều đình Nhà Nguyễn có cử người đại diện sang hợp đồng với hãng D.UHLHORN - Ðức quốc để dập tiền Tự Ðức Thông Bửu bằng máy. Chiến tranh Pháp-Ðức nổ ra, việc dập tiền Tự Ðức bằng máy không thực hiện được vì hãng này phải sản xuất một số vật dụng phục vụ chiến tranh. Hiện nay, Cty D.UHLHORN không còn tồn tại nhưng một số đồng tiền mẫu này vẫn còn xuất hiện rải rác ở một số bộ sưu tập tư nhân tại Châu Âu.



Tiền Hàm Nghi.



Tiền Ðồng Khánh.





Tiền Thành Thái.







Tiền Duy Tân.





Tiền Khải Ðịnh.





Tiền Bảo Ðại.