Trang phục dành cho các bậc vua chúa bao giờ cũng cầu kỳ. Hơn thế, trang phục của các vua triều Nguyễn (ngự phục) còn tuân thủ những quy định hết sức nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn cung đình.

Triều Nguyễn (1802- 1945) là triều đại cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam, nổi tiếngvới việc cai trị đất nước theo tư tưởng Nho giáo chính thống. Do vậy, ngự phục cung đình triều Nguyễn là một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc tạo dựng nên tính quy củ về hình thức của nhà nước quân chủ. Trên cơ sở đó, triều Nguyễn đã đề ra các quy định rất chặt chẽ về mẫu mã, màu sắc, motif trang trí… cho các loại ngự phục dùng trong các nghi lễ như: lễ thiết đại triều, lễ thiết thường triều, lễ Tế giáo, lễ Tịch điền, lễ duyệt binh…







Theo các nguồn tư liệu ảnh, tư liệu viết về triều Nguyễn, ngự phục các vua Nguyễn được ban hành những quy định rất chi tiết và chặt chẽ về chất liệu, màu sắc, cách may đến họa tiết trang trí… Theo quy định, các loại ngự phục của vua mỗi loại có tên gọi riêng, màu sắc riêng và chỉ mặc trong những dịp cụ thể. Mỗi nhóm lại bao gồm: mũ, áo, đai, xiêm, giày ủng, hia hài… Mũ thiết đại triều của vua gọi là mũ cửu long; áo gọi là long bào; mũ thiết thường triều của vua gọi là mũ bình thiên, áo gọi là hoàng bào; mũ dùng trong dịp Tế giao gọi là miện, áo gọi là cổn; áo vua đi cày ruộng - Tịch điền gọi là hồng bào.


Trong các nghi lễ của triều đình nhà Nguyễn, lễ thiết đại triều là một trong những lễ quan trọng trong hệ thống triều nghi của vương triều, diễn ra vào ngày mồng 1 và ngày 15 âm lịch hàng tháng, từ tòng cửu phẩm trở lên đều mặc mũ áo đại triều tới sân điện Thái Hoà làm lễ. Theo quy định của triều đình,“vua đội mũ cửu long, mặc long bào, đeo đai ngọc; quân thần mặc mũ áo đại triều”. Xếp sau lễ thiết đại triều là lễ thường triều mỗi tháng 4 buổi, từ tòng Tứ phẩm trở lên mặc mũ áo thường triều đi tới sân điện Cần Chánh làm lễ; vua đội mũ bình thiên,mặc áo hoàng bào thêu viên long nạm trân châu, tơ vàng; quần thần mặc mũ áo thường triều… Điều đó chứng tỏ trang phục cung đình là một yếu tố quan trọng để nói lên tính tôn ti trật tự của vương triều này.







Trang phục cung đình là một yếu tố quan trọng để nói lên tính tôn ti trật tự của vương triều Nguyễn

Chất liệu các loại vải dùng để may mũ, áo, xiêm, hài cho vua thường đặt mua ở nước ngoài, hay do các hộ dệt lụa, vải dành riêng cho triều đình. Nhiều làng dệt truyền thống trong nước tiến nộp các mặt hàng dệt chất lượng cao thay cho tiền nộp thuế. Trên áo mão của vua thường đính vàng bạc, trân châu, kim cương… để tăng thêm giá trị và tính uy nghi. Ngoài ra, sự hội tụ các ty thợ, các hộ dệt đã cho thấy việc gia công trang phục của các bậc vua chúa là cả một hệ thống các nghề liên kết nhau.

Một trong những chi tiết đầu tiên để phân biệt ngự phục của vua là chiếc mũ. Trong lễ thiết đại triều, vua dùng kiểu mũlong cửu; lễ thiết thường triều vua dùng kiểu mũ bình thiên; lễ Tế giao vua dùng kiểu mũ miện… Về mặt trang trí, mũcửu long được thiết kế 9 con rồng, đính 31 hình rồng bằng vàng tốt, 3 hình ngọn lửa cháy, phía trước phía sau đều 1 cái bác sơn, 1 con rồng nằm ngang, 30 đoá vuông và chỉ kết các hạng ngọc khảm và trang sức bằng ngọc hoả tề, kim cương, trân châu 140 hạt, mắt rồng đều khảm bằng ngọc trân châu nhỏ.

bình thiên dùng trong lễ thiết thường triều đơn giản hơn về trang trí lẫn màu sắc, thường dùng mũ 9 con rồng theo lối nhà Đường (Trung Hoa). Đối với kiểu mũ dùng trong Tế giao gọi là miện được thiết kế trên vuông dưới tròn, đính hai chữ “vạn thọ” hoặc hai chữ “thiên địa” bằng vàng, hình rồng mây 12 cái, hình ngọn lửa cháy 6 cái đều làm bằng vàng; dải rủ xuống 2 cái thành vòng quanh là 4 hoa sen đoá mây; mặt trước mặt sau có 24 dải lụa xuống; bên tả bên hữu mỗi bên có 1 dải rũ xuống được kết ngọc san hô, trân châu, pha lê, hạt vàng cộng 300 hạt, 4 mặt mạng lưới đều kim tuyến, kết vàng ngọc 400 hạt, trâm ngọc khảm bằng trân châu. Mắt rồng đều khảm bằng hạt trân châu nhỏ.







Sau mũ là áo. Áo của vua không chỉ khác nhau về kiểu dáng, kích thước mà còn cả màu sắc hoạ tiết trang trí trên áo. Chẳng hạn, áo mặc trong lễ thiết đại triều gọi long bào được may “bằng sa đoạn sắc chính thống, thêu rồng lớn rồng nhỏ, mây, thuỷ ba và bốn hình phúc thọ”. Trong lót sa dày, hoặc trừu đỏ hoa tứ hữu, hai cánh bằng đoạn màu lam thẫm, đậu 8 sợi tơ trắng bóng, hai mặt trước và sau đều có hai chữ “Vạn thọ” và ba hình rồng. Mỗi tay áo có một hình rồng ở hai cánh, san hô và hoa lưu, đều xâu chỗi bằng hạt ngọc châu nhỏ. Cổ áo bằng đoạn đậu 8 sợi tơ bóng màu tuyết trắng.

Áo vua mặc trong khi duyệt binh được may: “Áo bào hẹp tay bằng sa mỏng bóng toàn sợi tơ sắc vàng chính, thêu rồng, mây, thuỷ ba, cổ đồ, bát bảo, trong lót trừu hoa đỏ, hoa mẫu đơn bươm bướm, gấm hạng nhất màu lục lam thẫm toàn hoa kim liên đều chuỗi hạt trân châu , san hô kết lại làm hình mây”. Vai liền với cổ, làm bằng sợi tơ màu thiên thanh thêu rồng, mây, ngọn lửa cháy, thuỷ ba.

Trong lễ Tế giao, một trong những nghi lễ trọng đại nhất của triều Nguyễn, vua là chủ lễ nên trang phục đặc biệt coi trọng. Cụ thể, “Áo cổn bằng sa mỏng bóng toàn sợi tơ nhuộm màu thiên thanh, thêu mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, núi, rồng, chim trĩ, dải rủ xuống thì thêu rồng mây hoặc dùng sa mỏng trắng bóng toàn dợi tơ màu tuyết trắng”. Cửa tay áo thêu rông mây. Cổ áo bằng đoạn đậu 8 sợi tơ bóng màu quan lục, thêu chữ á, trong lót lụa sắc trắng. Dải thêu rồng mây, thuỷ ba.







Ngoài mũ, áo, ngự phục của vua còn có xiêm. Xiêm là loại trang phục mặc ở dưới áo để che quần đằng trước. Xiêm của vua được mặc trong lễ thiết đại triều và lễ thiết thường triều giống nhau về kiểu dáng, màu sắc và cả hoạ tiết trang trí. Xiêm được may bằng “sa mỏng trắng bóng toàn sợi tơ có hoa màu đỏ, dệt kiểu rồng cuốn tròn, thuỷ ba, cổ đồ, bát bảo, dưới nối bằng đoạn gấm hoa hồi văn dây leo, lan can đỏ”. Trong lót lụa đỏ, gấm hạng nhất toàn hoa kim liên, màu lục hay màu lam. Ngoài ra, xiêm của vua mặc trong Tế giao được may bằng sa mỏng, bóng, toàn sợi tơ, màu lục màu lam thẫm, trong lót sa nam, màu vàng chính.

Cuối cùng là hài và bít tất. Khi thiết đại triều, vua đi hài làm bằng tơ màu đen, thêu rồng mây, văn thuỷ ba và hoa văn bằng kim tuyến, bên trong có lót lớp tơ màu vàng đỏ. Bít tất làm bằng tơ sợi trắng, nhuộm màu lam thẫm, phía dưới lót vải tây màu trắng, hợp với gấm hạng nhất, có thêu hình hoa sen vàng bằng các sợi kim tuyến. Mặt ngoài bít tất cũng thêu rồng mây và văn thuỷ ba, cùng kiểu với hồi văn trên hài. Trong khi đó, bít tất của vua trong các dịp thiết thường triều thì chỉ làm bằng sợi tơ nhuộm màu lam thẫm, thêu hoa sen vàng nhưng không có hình rồng và văn thuỷ ba.

Hài cũng tương tự như trên. Hài của nhà vua dùng trong lễ Tế giao thì thật đặc biệt. Hài dệt bằng tơ màu đen, thêu rồng mây, lan đằng, ngọn lửa và hồi văn kim tuyến có đính hạt cườm. Trên hài còn gắn các hạt trân châu, san hô nhỏ và đính ba chiếc châu vàng, mỗi chiếc có khảm một hạt ngọc hoả tề và hai viên kim cương. Khi đi cày ruộng trong lễ Tịch điền, lẽ thường, người ta phải đi chân đất xuống ruộng nhưng vì đó là vua nên ngài vẫn “ngự” một đội ủng màu đen, có điểm xuyết những hoa văn bằng vàng, bên trong ủng lót tơ có thêu màu đỏ. Thật là sang trọng hết chỗ nói. Trong lễ duyệt binh, vua đi hài dệt tơ màu đen khâu lẫn với tơ bóng màu vàng, bên trong lót tơ bóng có hoa màu đỏ.







Các nguồn tư liệu ảnh, tư liệu viết về triều Nguyễn cũng cho thấy, trang phục của vua mặc trong các nghi lễ có những quy định chuẩn riêng biệt từ chất liệu, màu sắc, đề tài trang trí và cả tên gọi. Mỗi loại trang phục của nhà vua mặc được trang trí đều mang ý nghĩa riêng, nhưng đều không nằm ngoài việc biểu hiện điển chương, điển chế và thể hiện uy phong vương quyền theo quan niệm bấy giờ. Mỗi loại trang phục của nhà vua mặc được trang trí đều mang ý nghĩa riêng, nhưng đều không nằm ngoài việc biểu hiện điển chương, điển chế và thể hiện uy phong vương quyền theo quan niệm bấy giờ.

Trên hết, mỗi bộ trang phục của các vua nhà Nguyễn còn là một tác phẩm nghệ thuật. Đó là sự kết hợp của nghệ thuật may, thêu, hội hoạ với nghề kim hoàn. Qua đó, giúp người đời sau hiểu thêm về một triều đại đã qua, về đời sống cung đình nhà Nguyễn. Hy vọng một ngày không xa, những gì chúng ta tìm hiểu qua tư liệu ảnh, tư liệu sử sách sẽ được hiện thực hoá qua việc phục chế những y phục cung đình để mọi người có thể hình dung và nhận thức đầy đủ hơn về giá trị vật chất và phi vật thể trên đất cố đô.

Thông tin thêm:

+ Những báu vật ngự phục triều Nguyễn được trưng bày ở Tả Vu (Đại nội Huế) và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (3 Lê Trực, Thành phố Huế).

+ Những trích dẫn trong bài chủ yếu được sử dụng từ các tài liệu: Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ; Quốc Sử Quán triều Nguyễn,Đại Nam thực lục; Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, tập V, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xuất bản, 2007…