Kỷ nguyên đèn dầu dài lâu đến hơn 2.000 năm, tức gấp gần đến 200 lần quãng thời gian điện đèn có mặt. Ở nước Việt ta, đèn dầu lại còn gắn bó chặt chẽ hơn với con người, với tâm linh trong một xã hội dựa trên xóm làng, nông nghiệp.


Bằng chứng là một số cây đèn bằng gốm tìm được trong các di tích làng quê cách đây khoảng 2.500 năm.
Đèn có dáng là một người đàn ông đang quỳ, hai tay dâng lên một đĩa đèn. Đĩa đèn hình trụ tròn, vốn đựng dầu thực vật để đốt. Cái loại đèn mà dùng dầu thực vật như thế còn tồn tại hàng chục thế kỷ sau này nữa trong các triều đại phong kiến.






Cây đèn trong văn hóa Sa Huỳnh, tìm được ở Hòa Diêm được người xưa nặn khá công phu, có tạo dáng như một cái khay hình cầu đựng dầu thực vật, phần thân cao trang trí hoa văn tam giác và đường cong đẹp mắt, lại có cả chân đế hình vuông vững chãi, được trổ lỗ thủng cầu kỳ. Các loại đèn gốm trong thời điểm hơn 2.000 năm tương tự còn thấy ở trong một số làng cổ thuộc văn hóa Đông Sơn. Có khi họ còn tạo hình một số động vật như con vịt để đựng dầu đèn nữa.







Khi mà người xưa đã làm chủ được kỹ thuật đúc đồng, đã đúc được các tác phẩm tuyệt hảo như trống đồng Ngọc Lũ, thì cũng là lúc mà hàng loạt các cây đèn đồng ra đời. Đèn dầu lúc đó thực sự là các tác phẩm nghệ thuật đẹp.

Cái lạ của tượng là không mang vóc dáng người Việt, mà lại giống với người Trung Á hay Ấn Độ với đặc điểm dễ nhận là râu quai nón, tóc quăn tít, sống mũi nổi cao. Có thể chiếc đèn này người xưa muốn nói đến quyền lực.







Một dòng tượng đèn có niên đại từ thời Đông Sơn cho đến hàng ngàn năm sau, lấy chủ đề là tượng động vật.

Ta có thể ngắm hình một cây đèn đồng Tượng voi chẳng hạn. Ngồi trên đầu voi là người quản tượng. Giữa lưng voi có dựng một cái cột khá cao, có người đàn ông đang ôm cột. Trên các nhánh cột còn ghép nhiều đĩa đèn và tượng người, tượng thú nữa. Đây có lẽ là một trong những cây đèn đồng được chế tạo công phu nhất và có cả một tổ hợp đĩa đèn trong một khối tượng voi.

Một cây đèn khác lại có tượng hươu. Con hươu có sừng nhiều nhánh, bốn chân, đuôi, mắt, mũi, miệng đủ cả. Trên lưng hươu có dựng một cột đồng có đĩa đèn. Một dạng đèn khác là đèn có ba chân, đôi khi lại có quai đeo.







Thú chơi đèn của người xưa cũng có sự đổi thay theo thị hiếu. Đến thời nhà Lê hay muộn hơn một chút là nhà Mạc chẳng hạn, các quý tộc lại không chú tâm vào đèn đồng nữa mà là các cây đèn gốm rất đẹp.

Trong bối cảnh đó, nhiều cây đèn gốm ra đời. đèn thường có thân thon, trang trí hình rồng nổi đang nhả ngọc, có vảy, móng, râu. Nhiều đèn còn có các dòng chữ Hán. Đèn thời Lê-Mạc không chỉ mang công dụng thắp sáng mà còn làm sang cho chủ nhân.







Bên cạnh những cây đèn gốm kích thước lớn, còn có loại đèn gốm mà trong đĩa đèn có những 5 “bấc” khá độc đáo, đèn gốm hoa nâu hay hoa lam thời Lê, nhỏ gọn hơn, được trang trí nhiều hoa văn cánh sen và các hoa lá khác thường thấy trong biểu tượng đạo Phật. Lịch sử các loại đèn của nước ta, thì đèn gốm chiếm nhiều nhất và cũng mang đậm tính nghệ thuật.

Vào thời cuối Lê đầu Nguyễn, ngoài đèn gốm Bát Tràng, còn có đèn bằng gỗ, bằng sắt cũng với các mô típ hoa lá, chim muông.

Thú chơi đèn khá bền lâu trong đời sống người Việt hàng chục thế kỷ.

Đèn còn là tâm điểm của nhiều lễ hội như rằm Trung thu. Trước cửa chùa, tối đến thường có chú tiểu đi thắp đèn trên cây cột cao...

Có thể nói, cái văn hóa “dầu đèn” đã ăn sâu vào đời sống người xưa. Cái câu cửa miệng “sống dầu đèn, chết kèn trống” đủ để nói lên cái vai trò quan trọng của dầu đèn, của ánh sáng đối với người Việt trước đây ra sao.