I. Hồ lô và hình tượng hồ lô – những vấn đề chung

1. Hồ lô

a. Hồ lô thiên nhiên

Hồ lô là một loại quả thực vật, họ bầu bí [hình 1], được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt, cận nhiệt đới trên khắp thế giới. Qua tư liệu khảo cổ cho thấy các vùng đất Nam Trung Hoa, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, đồng bằng sông Nile… đều có sự hiện diện của quả hồ lô [Du Tu Linh 2001: 10]. Ở Việt Nam, hồ lô xuất hiện khắp nơi, từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến vùng núi cao.



b. Về tên gọi hồ lô

Về tên gọi tiếng Trung, phổ biến nhất là hồ lô /húlu/ với nhiều cách viết: 葫芦, 壶卢, 胡卢, ngoài ra còn được biết đến với tên gọi phố lô (蒲芦/púlu/) v.v.. Tên gọi hồ lô thể hiện ý nghĩa may mắn. Theo lối hài âm, hồ đọc là /hú/ gần với phúc /fú/, lô đọc là /lu/ gần âm với lộc /lù/. Trong văn hoá dân gian, người dân mượn hình ảnh quả hồ lô căng tròn để gửi gắm ước vọng phúc lộc song tiến. Ngoài ra, khèn hồ lô gọi là sênh (笙/sheng/), trùng âm với từ sinh (sôi) (生/sheng/) trong sinh cơ (生机/shengji/) hay thăng tiến (升/sheng/) [Triệu Thân 2001: 80]. Trong tiếng Anh, hồ lô là calabash, tiếng Tây Ban Nha là shekere, tiếng Sanscrit là tumba, trong tiếng Việt là bầu (bí)v.v…

c. Phân loại

– Về phân loại, theo Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân (1518-1593) dựa vào hình dáng, kích cỡ quả hồ lô, có thể phân hồ lô ra năm loại tiêu biểu sau: (1) Hồ (瓠): hình trụ tròn, dài, đáy lõm vào giữa; (2) Huyền hồ (悬瓠): hồ lô đầu nhỏ, phần dưới phình to, đáy lõm vào giữa; (3) Hồ (壶): hồ lô hình quả tim ngược; (4) Bào (匏): hồ lô hình quả bưởi; (5) Phố lô (蒲芦): hình hồ lô có hai phần trên, dưới phình to, eo nhỏ [hình 5].

– Còn nếu phân loại theo đặc điểm vị ngọt – đắng thì có thể phân ra hai loại: hồ (瓠) – hồ lô ngọt; và bào (匏) – hồ lô đắng.

d. Lịch sử xuất hiện quả hồ lô ở Trung Quốc:

Không ai biết hồ lô được thuần dưỡng tự bao giờ. Qua nghiên cứu khảo cổ ở di chỉ Hà Mẫu Độ (河姆渡,lưu vực sông Dương Tử) cho thấy hồ lô đã được trồng ở Đông Nam Á cổ từ hơn 7000 năm trước. Chủ nhân của chúng là các tiền dân Bách Việt, Miêu Man, Bách Bộc. Giáp Cốt Văn thể hiện chữ hồ 壶 (tức hồ lô) bằng hình ảnh một chiếc bình có nắp đậy và có quai cầm [hình 2]. Có lẽ phần nút đậy bằng cành trúc đồng thời cũng là tay xách khi mang đi. Phần quai cầm được gắn thêm vào để tiện rót nước, rượu hay các vật đựng bên trong. Thời Tây Chu, hồ lô bắt đầu đi vào văn học nghệ thuật, được Khổng Tử thể hiện trong bộ Kinh Thi “Tháng bảy hái ăn, tháng tám lấy quả, tháng chín dựng lại giàn” (“七月食瓜,八月断壶,九月筑场圃t hất nguyệt thực qua, bát nguyệt đoạn hồ, cửu nguyệt trường phố” bài Thất Nguyệt, chương U Phong) [Triệu Thân 2001: 87]. Thời Đông Chu, do kỹ thuật vun trồng được cải tiến, nhiều giống hồ lô mới, quả to được trồng khắp nơi, kể cả ở vùng Hoa Bắc. Từ Hán – Đường về sau, người ta đã có thể trồng các loại hồ lô quả cực to. Ngày nay, một số vùng Ngũ Lĩnh, Vân Quý, Hải Nam.. nhiều nhà trồng giàn hồ lô trước sân nhà.

Có thể quả hồ lô đã trở nên quen thuộc với con người từ thưở mông muội, khi mà hoạt động hái lượm hay thu hoạch các loại sản phẩm từ thực vật trở nên phổ biến. So với việc săn bắt động vật thì việc sử dụng sản phẩm thực vật tự nhiên có ưu thế hơn. Các tính năng đặc biệt đã làm cho quả hồ lô dần dà thoát khỏi cái “vỏ tự nhiên”, khiến nó được con người “nhân cách hóa”, “thần bí hóa” và tạo ra muôn vàn thần thoại, truyền thuyết gắn với chúng.

e. Công năng của quả hồ lô

* Phần ruột:

(1) Dùng làm thực phẩm. Phần hoa, đọt non, ruột, vỏ quả hồ lô non có thể được dùng chế biến món rau bổ sung lượng chất xơ và vitamin đáng kể cho cơ thể con người (trừ loại hồ lô đắng). Hồ lô non còn có thể được phơi khô dùng làm “rau khô” trong suốt mùa đông băng giá.

(2) Dùng làm dược phẩm. Loại được dùng làm dược phẩm chủ yếu là loại hồ lô đắng. Hồ lô đắng có dược tính đặc biệt, chủ yếu là tính hàn. Theo ghi nhận, có hơn 30 loại thảo dược có dùng dược liệu từ hồ lô. Cụ thể trong Bản Thảo Cương Mục có ghi nhận thảo dược hồ lô chủ tiêu khát, giải nhiệt, giải tâm nhiệt, lợi tiểu tràng, lợi tiểu, nhuận tâm phổi, trừ phiền muộn [Vương Thế Tương 2001: 4]. Chính nhờ đặc tính này, vỏ hồ lô được các thầy lang dân gian dùng để đựng dược liệu [hình 3]. Một số loại hồ lô đắng qua chế biến có thể dùng thay thế trà [Lâm Hà 2001: 145].

* Phần vỏ



(1) Dụng cụ chứa đựng. Bình hồ lô có thể dùng để đựng nước, rượu, gạo, thức ăn, dược liệu v.v.. [hình 3]. Vỏ hồ lô khô có thể cắt làm bát, đĩa, bôi trong ăn uống. Trong cuốn Hàn Phi Tử có viết “Hồ lô đực thuộc hàng quý, có thể dùng để chứa đựng” (夫瓠所贵者,谓其可以盛也Phu hồ sở quý giả, vị kì khả dĩ thịnh dã)[Từ Kiệt Thuấn 2001: 92]. Trong hôn nhân của người tiền Hán, người ta lấy chiếc hồ lô cán dài xẻ đôi thành hai cái “bao cẩn” (包卺) [hình 4], dùng trong nghi thức uống rượu giao bôi. Từ đó, thành ngữ “hợp cẩn giao bôi” (合卺交杯) được sử dụng phổ biến. Ngoài ra, hồ lô nhỏ còn được chế tác thành dụng cụ hút thuốc tương tự như dụng cụ hút thuốc lào ở Việt Nam.

Xuất phát từ việc sử dụng hồ lô làm vật dụng chứa đựng, dần dà người nguyên thủy đã phát minh, chế tác các loại đồ gốm dùng để chứa dựng có hình dáng mô phỏng hồ lô [hình 5]. Hiện tại, thuyết “đồ gốm phỏng hồ lô” đã được giới nghiên cứu công nhận rộng rãi [Từ Kiệt Thuấn 2001: 92; Sơn Mạn 2001: 107]. Quá trình biến đổi từ sử dụng hồ lô tự nhiên sang chế tác các loại đồ gốm phỏng hình hồ lô hoàn toàn hợp với quá trình diễn hóa văn hóa.



(2) Công cụ giao thông thủy: nhờ đặc điểm rỗng ruột, chỉ cần bịt kín phần miệng, hồ lô sẽ trở thành một loại “phao” đặc biệt. Các sách Kinh Thi, Trang Tử, Quốc Ngữ đều có nhắc đến loại “công cụ” giúp người qua sông, suối này. Dân gian Trung Hoa gọi loại “công cụ” đặc biệt này là “thuyền eo” (腰舟yếu chu) [hình 6]. Ngày nay, vùng nông thôn Hà Nam, Sơn Đông, Tứ Xuyên vẫn còn dùng loại công cụ này khi qua sông, suối nhỏ. Người Khách Gia ở Quảng Đông khi đánh cá dưới sông đeo quanh eo vài chiếc hồ lô cứu sinh. Trẻ em đeo vài chiếc hồ lô nhỏ quanh thân ngụ ý trừ tà, đồng thời sẽ giúp cứu trẻ trong trường hợp bị rơi xuống nước. Ở đảo Hải Nam, người Lê dùng một quả hồ lô to rỗng, bịt kín miệng, thả xuống sông, suối, ôm trầm lấy mà bơi qua. Ở Đài Loan, người Amei, người Cao Sơn cũng làm cách này [Tống Triệu Lân 2001: 19-20, 38-39]. Ở một số vùng khác, người ta làm bè hồ lô qua vượt qua những khúc sông có quá nhiều ghềnh thác. Trong thần thoại, hồ lô rỗng với đặc tính nổi trên mặt nước đã được mượn làm biểu tượng cứu sống nhân loại. Học giả Văn Nhất Đa (1899-1946) tiến hành phân tích 49 thần thoại hồng thủy của các dân tộc thiểu số kết luận rằng hồ lô là dụng cụ cứu sinh phổ biến nhất (chiếm 57,2% trong số các dụng cụ hồ lô, thùng gỗ, giường, trống, thuyền v.v..; xem phần sau) [Tống Triệu Lân 2001: 35].



(3) Nông ngư cụ. Trong nông nghiệp, không ít nông dân dùng bình hồ lô đầu nhọn, khoét miệng vừa đủ để rót hạt giống. Trong ngư nghiệp, vỏ hồ lô khô còn được dùng làm phao nổi mắc vào lưới, giúp ngư dân định vị được vị trí mảnh lưới của mình trên mặt nước.

(4) Chế tác vũ khí. Lịch sử chiến tranh ở đất Trung Hoa xưa đã từng tồn tại loại vũ khí đả thương có tên gọi là “hồ lô hỏa dược”. Có thể phân ra các loại: Hồ lô hỏa hoành trận (衡阵火葫芦); Hồ lô đối mã thiêu nhân (对马烧人葫芦); Pháo lôi qua (雷瓜炮); Lạn cốt qua dầu thần (烂骨瓜油神); Hỏa dược phi lôi (火药飞雷) v.v.. dùng trong chiến tranh, khai phá đất đai và săn bắt thú rừng [Tống Triệu Lâm 2001: 20-21].

(5) Chế tác nhạc khí. Hồ lô khô rỗng ruột khi vỗ sẽ phát ra một loại âm thanh khá đặc trưng, được các tộc người ở Trung Hoa chọn làm một trong “bát âm” phổ biến, gồm kim loại, đá, tơ, trúc, bào, đất, da thuộc và cây. Trong đó, bào (匏) chính là cái khèn (笙竿sênh can / 竽vu) [hình 7]. Từ thời Chiến Quốc đến Tây Hán, vùng cao nguyên Vân Quý đã mô phỏng khèn hô lô tự nhiên để chế tác loại kèn hồ lô đồng (khai quật được ở vùng Giang Xuyên, Ninh Phổ – Vân Nam). Điều này cho thấy hồ lô tự nhiên đã được chế tác thành nhạc khí từ rất lâu trước đó. Trong các sách Man Thư, Tân Đường Thư, Lĩnh Ngoại Đại Đáp.. đều có phần ghi chép về loại nhạc cụ này [Tống Triệu Lân 2001: 20-21]. Trong nghi lễ rước linh hồn người chết vào hồ lô tổ linh của dân tộc Di (Vân Nam), các vu sư phải thổi khèn hồ lô để múa cúng tế. Tộc người La Hô (拉祜) có 136 bộ múa khèn, và hơn 400 bài múa có sử dụng khèn hòa tấu [www.cwineasy.com].

(6) Dùng làm tang cụ. Một số dân tộc như người Di, Thủy, La Hô dùng bình hồ lô chứa xương tro của người chết với hy vọng linh hồn người chết sẽ được “quay về” nguồn cội. Loại hồ lô này được gọi là “hồ lô tổ linh” (祖灵葫芦).

(7) Đồ thưởng ngoạn. Chủ yếu là các loại hồ lô nhỏ, qua bàn tay chế tác, họa vẽ của nghệ nhân có thể trở thành một loại hàng mỹ nghệ để trưng bày, trang trí hay chứa đựng những thứ quý giá trong nhà.

(8) Các dụng cụ khác: Vỏ hồ lô còn dùng làm bát nến, đồ đo lường (rượu, giấm, dầu), nuôi dế



2. Chủ thể văn hóa hồ lô

Hiện có ít nhất 26 dân tộc ở Trung Quốc có tục sùng bái hồ lô hay có thần thoại hồ lô, gồm Hán, Thái, Di, Lật Túc, Miêu, Dao, Xá, Tạng, Bạch, Hồi, Hà Nhì, Choang, Cơ Nặc, Đức Ngang, Bố Y, Ngõa, Lê, Thủy, Cách Lao, Nộ, Đồng, Cao Sơn, A Xương, Nạp Tây, Cảnh Pha, La Hô [www.nikerchina.com]. Về không gian, ngoài tộc người Hán, các tộc người nói trên đa số phân bố ở các khu vực cao nguyên Vân Quý, lòng chảo Tứ Xuyên, cao nguyên Thanh Tạng, Lĩnh Nam. Một số tộc người sống rải rác ở vùng Hoa Đông, Tây Bắc và đảo Đài Loan.

Theo lịch sử, vùng đất phía Nam Dương Tử vốn là khu vực cư trú của ba tập đoàn lớn: Bách Bộc ở vùng Tây Nam; Bách Việt ở vùng Đông Nam; Miêu Man ở phía đông cao nguyên Vân Quý và vùng phụ cận. Tác giả Lâm Hà [2001: 152-153] thì cho rằng chủ thể văn hóa hồ lô chính là tập đoàn Bách Bộc. Ông cho rằng Bách Việt là hậu duệ của Bách Bộc – một quan điểm hiếm thấy trong giới nghiên cứu. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không tập trung vào mối quan hệ giữa Bách Bộc và Bách Việt mà chỉ khẳng định rằng cả hai nhóm này đều là chủ thể của văn hóa hồ lô.



Sách Sở Từ có viết “Bộc tại Sở Tây Nam” (仆在楚西南), “Bộc nhân vi đan sa” (仆人为丹砂), “Bộc nhân vi thần sa” (仆人为神砂) [Lâm Hà 2001: 153]. Có thể thấy, cư dân vùng đất rộng lớn phía tây nam nước Sở gọi chung là Bộc nhân (仆人). Trong lịch sử, khu vực này vốn dĩ phức tạp vì cả ba tập đoàn lớn Bách Bộc, Bách Việt, Miêu Man cùng cộng cư, cùng giao thoa văn hóa. Tù nhân, nô lệ gốc ở ba tập đoàn này đều bị người Trung Nguyên gọi chung là “nô bộc” (奴仆) một cách rất phiếm diện.

Trong Giáp Cốt Văn, từ bộc xuất hiện sớm [hình 11]. Chữ bộc bao gồm năm phần chính: phần thân người, phần “đuôi”, phần đội đầu, phần cầm trên tay, và các hạt li ti. Hiện có hai cách diễn giải ý nghĩa của chữ bộc như sau [hình 12]:



Có thể thấy hai cách diễn giải rất khác nhau do được nhìn nhận từ hai góc độ rất khác biệt. Theo cách diễn giải của các tác giả người Hán đại diện là Văn Nhất Đa [2001] thì danh từ Bộc nhân mang ý nghĩa nô bộc nên nhìn đâu cũng ra nô bộc (quan điểm vô thần). Còn tác giả Lâm An thì đứng ở góc độ chủ nghĩa duy vật lịch sử để quan sát nên cho kết quả khác. Theo chúng tôi, thứ chữ này do tiền nhân người Hán tạo ra (Giáp Cốt Văn) nên ít nhiều nó mang quan niệm “dĩ Trung Nguyên vi trung” của mình. Song, ở một khía cạnh khác, Giáp Cốt Văn là loại chữ tượng hình, chủ yếu dựa vào hình dáng của vật thể tự nhiên để cách điệu tạo chữ viết nên có thể chữ bộc này thể hiện hình ảnh của một vu sư đang tiến hành nghi lễ. Cơ sở của ý kiến này nằm ở các khía cạnh sau:

1/ Phần đuôi không thể là phần kéo dài của trang phục. Người nô lệ không thể mang theo phần đuôi này khi đang làm việc.

2/ Phần đội đầu cho là hình cụ thì không thể lý giải nổi tại sao “người nô bộc này” vừa cầm ki vừa đội hình cụ?

3/ Nếu phần tay cầm là cái ki rác thì người nô bộc không thể nâng ki rác cao đến như thế, vì như vậy sẽ là vô lễ đối với giới chủ.

4/ Một số tác giả người Hán chưa giải nghĩa hết ý nghĩa của chữ Bộc (仆). Bộc không chỉ có nghĩa là nô bộc, mà còn là hồ lô. Bộc nhân: dân tộc hồ lô (theo quan niệm của Lâm An [2001], Diệp Minh Giám [2001]). Còn từ Bộc trên Giáp Cốt văn được tạo thành từ cách mượn âm diễn ý của người Hán. Gốc ban đầu của từ bộc có âm đọc là Bu, Bô, Bua, Pu, Po…[xem mục hình tượng hồ lô trong ngôn ngữ].


II. Các đặc trưng văn hoá của hình tượng hồ lô

1. Các đặc trưng văn hóa của hình tượng hồ lô

a. Tính biểu trưng

Từ khi chiếc hồ lô tự nhiên thăng hoa, hình tượng hồ lô được dân gian các tộc người Trung Hoa gửi gắm vào đấy nhiều ước vọng ở đời:

– Biểu trưng nữ tính – phồn thực: đặc trưng nổi bật nhất của hình ảnh chiếc hồ lô dân gian.

Về hình dáng, hồ lô được cho là 1) giống với bộ ngực căng tròn của người mẹ đang trong thời kì cho con bú; 2) giống với sinh thực khí nữ (nội âm lẫn ngoại âm); 3) giống với phần thân của người phụ nữ có mang. Ngoài ra, hồ lô nhiều hạt, dễ sinh sôi nên được dùng với ý niệm cầu mong phồn thực.

Tại vùng Đài Giang và Kiếm Hà tỉnh Quý Châu, người Miêu có tục “hồ lô phóng tinh rượu” vào ngày tế bái tổ tiên. Thanh niên lấy hồ lô đựng đầy tinh rượu, sau đó cầm hồ lô phóng tinh rượu về phía các cô gái trẻ. Các cô gái này hân hoan đón nhận tinh rượu như đón nhận biểu trưng “dương tinh” cần thiết cho sự sinh sôi.

– Biểu trưng may mắn: theo phân tích ngữ âm – ngữ nghĩa ở phần tên gọi hồ lô thì hình ảnh hồ lô mang biểu trưng của phúc lộc, thăng tiến. Các tộc người Miêu, Bố Y vùng Quý Châu có tục rước thần hồ lô. Dân gian dùng gỗ đẽo thành mặt nạ hồ lô thần có tay cầm. Phụ nữ tế tự hồ lô thần để cầu hạnh phúc tương lai [www.china.com]. Người La Hô kết hình hồ lô trên cổ áo, hàm ý may mắn v.v…

– Biểu trưng tổ tiên: Người Cơ Nặc 基诺 /Ji Nuo/ và người Di 彝/Yí/ là các trường hợp điển hình. Danh từ riêng Cơ Nặc có nghĩa là “(giống người) chui từ hồ lô ra” [www.nikerchina.com]. Ngoài người Cơ Nặc, người Di Vân Nam cũng coi hồ lô là hóa thân của tổ tiên. Trên bàn thờ hay vách thờ thường có khắc họa hình ảnh hai chiếc hồ lô (mỗi chiếc tượng trưng cho một thế hệ (nội, cha). Mỗi khi gia đình có một vong linh mới thì mời vu sư đến cử hành đại lễ gửi linh hồn vào chiếc hồ lô mới. Cùng lúc đó mang hồ lô chứa linh hồn của thế hệ cao nhất thiêu hủy. Trong phong tục này, tàn dư của chế độ mẫu hệ vẫn còn lưu giữ rất sinh động. Nếu người mẹ qua đời trước, người Di rước vu sư làm lễ gửi linh hồn vào hồ lô cái. Đến khi người cha qua đời, vu sư lai tiếp tục làm lễ gửi linh hồn cha vào cùng. Nếu cha mất trước, vu sư gửi tạm linh hồn vào một chiếc hồ lô đực nào đó, đến khi người mẹ mất, người ta đổi một chiếc hồ lô khác, gửi linh hồn người mẹ vào trước rồi rước linh hồn người cha vào cùng [Từ Kiệt Thuấn 2001: 96].

– Biểu trương hài hòa âm dương: Hồ lô là loại bầu bí có hoa tự thụ phấn, do vậy nó tự mang trong mình sự hài hòa âm dương (nhụy và nhị). Cũng từ đó, theo dân gian Trung Hoa, Phục Hy – Nữ Oa – hóa thân của hồ lô tượng trưng cho hình ảnh người cha thủy tổ và người mẹ thủy tổ, cả hai hòa hợp sinh ra nhân loại. Trên vách đá hang động có từ thời tiền sử, hình ảnh Phục Hy – Nữ Oa được vẽ thành đầu người thân rắn, hai đuôi quấn vào nhau thể hiện sự khắng khít âm dương. Thần thoại người A Xương kể rằng Thiên Công Địa Mẫu yêu nhau, mang thai chín năm thì sinh được một hạt hồ lô. Về sau, từ trong hồ lô, thủy tổ nhân loại bước ra [Lâm Hà 2001: 139]. Xa hơn nữa, hồ lô còn là biểu trưng của tình yêu.

– Biểu trưng vũ trụ: Trong Đạo giáo, không gian bên trong là thế giới của thần tiên, là vũ trụ độc lập với bên ngoài, có thể biến to, cũng có thể thu nhỏ, thông với bên ngoài bằng một cửa hẹp: miệng hồ lô. Vũ trụ bên trong hồ lô chỉ có hạnh húc, có tiên cảnh, có sự thăng hoa mà không hề có chiến tranh, bất ổn của thế giới nhân sinh. Tác phẩm Thần Tiên Truyện của Cát Hồng (葛洪284-364) là một ví dụ:

Truyện kể rằng Phí Trường Phòng (费长房) làm tiểu quan trông chợ vùng Nhữ Nam (nay Hà Nam). Trong vùng có lão Hồ công đến chợ bán thuốc. Thuốc rất hiệu nghiệm nên ông rất được tin yêu. Ông đựng thuốc trong chiếc hồ lô bên thân. Tối, ông chui vào hồ lô mà ngủ. Phí Trường Phòng rình biết được, bèn tìm cách tiếp cận Hồ công. Ngày nọ, Hồ công dặn Phí Trường Phòng trời tối hãy đến. Đúng hẹn, Hồ công mời Phí Trường Phòng cùng ngao du bên trong hồ lô. Trong hồ lô, Phí Trường Phòng nhìn thấy khắp nơi đều là tiên cảnh, đài các, sơn thủy…

Bên trong hồ lô không chỉ có vũ trụ riêng mà còn có cả chuỗi không gian độc lập với thế giới bên ngoài: “non tiên chỉ bảy ngày, thế giới đã ngàn năm” (山中方七日,世上已千年sơn trung phương thất nhật, thế thượng dĩ thiên niên).

…Phí Trường Phòng chỉ ngao du hồ lô chưa đến một ngày đã trở về. Người nhà của ông không nhận ông, cho rằng ông đã chết từ bấy lâu rồi. Thì ra, thời gian đã trôi qua hơn một năm.

Trong một tích Đạo giáo khác, hai đạo sĩ Lưu Thần và Nguyễn Triệu lên tiên đài, sống với các tiên nữ chỉ non nửa năm mà khi trở lại hạ giới, thời gian đã hơn 10 đời trôi qua [Trình Tường 2001: 122-123]. Từ điểm này chúng ta hiểu được vì sao các đạo sĩ thường lên non tu tiên ở những nơi “sơn cùng thủy tận”, đặc biệt là các “tiên động” (hang động) mà lối ra vào đều rất hẹp.

– Biểu trưng linh thiêng: một số tộc người vùng Tây Nam như Di, Miêu, Thủy, Cách Lao còn lưu truyền tục lấy hồ lô vẽ thành đầu rồng hay mộc hồ treo ở cửa ra vào với mục đích xua đuổi tà ma [www.china.com]. Khi cúng tế tổ tiên, một số dân tộc thiểu số mang hồ lô treo ở phía trước đàn tế, ngụ ý cấm người lạ vào nhà [Lâm Hà 2001: 145]. Trẻ em đeo chiếc hồ lô nhỏ trước ngực làm bùa và hy vọng đứa bé ấy sẽ có em trai, em gái về sau. Vào ngày tết Đoan ngọ, người dân mang hồ lô ra treo ngược trên đòn giông nhà, đợi đến giữa trưa thì mang xuống vứt đi, ngụ ý hồ lô hút hết độc khí, ám khí, hút hết xui xẻo.

b. Tính đa dụng

Tất cả các biểu trưng trên đây của hình ảnh chiếc hồ lô trong văn hóa đã tạo nên tính đa dụng của nó. Hình ảnh chiếc hồ lô vừa gần gũi, giản dị, phàm tục lại vừa linh thiêng, gợi vào lòng người một ý niệm xa xôi của biểu tượng thần tiên. Chiếc hồ lô xuất thân từ đời sống thường nhật của tầng lớp dân dã, qua bàn tay chế tác, khắc vẽ khéo léo của nghệ nhân đã trở thành những vật thưởng ngoạn của cả tầng lớp quý tộc lẫn bình dân. Hồ lô vừa là một dụng cụ đắc lực trong đời sống thường nhật (bình đựng, dụng cụ gieo trồng, v.v.) vừa là biểu tượng của tâm linh. Hồ lô mang trong mình nhiều ý nghĩa thiết thực nhưng cũng không kém phần triết lý: biểu trưng của linh hồn tổ tiên; của phúc lộc; của nữ tính; của ước vọng phồn thực; của ước vọng viên mãn, sung túc…

c. Tính phổ biến

Với các tính năng đặc thù của mình, hình ảnh chiếc hồ lô đã trở thành biểu tượng văn hóa của hàng loạt các tộc người tại Trung Hoa. Nó không chỉ là sản phẩm văn hóa của riêng tộc người nào, mà là thứ linh vật chung của cả khối cộng đồng. Xét về phân bố không gian, quả hồ lô được trồng rộng khắp cả vùng Nam Dương Tử, vùng Tây Nam Trung Quốc và một số nơi ở Hoa Bắc như Sơn Đông, Cam Túc, Thiểm Tây v.v. [Du Tu Linh 2001]. Với đặc tính dễ trồng, dễ sinh sôi, dễ thu hoạch, hồ lô tư nhiên đã trở nên rất phổ biến trong số các loại cây rau, củ, quả tại các địa phương. Xuất phát từ phạm vi không gian rộng như thế, khi hồ lô trở thành một thứ biểu tượng, nó hiện diện khắp nơi tại các vùng có trồng hồ lô. Xa hơn thế, qua quá trình giao lưu-truyền bá văn hóa, hình ảnh chiếc hồ lô văn hóa đã lan rộng khắp đất nước Trung Hoa.

Tại Đông Nam Á, hình tượng hồ lô sinh sôi cũng xuất hiện rộng rãi trong văn hoá các dân tộc với nhiều hình tượng bầu bí. Công năng và ‎nghĩa văn hóa của chiếc hồ lô cũng phong phú như ở Trung Hoa. Tại Việt Nam, tiêu biểu là vùng văn hóa Tây Nguyên, người dân vẫn dùng bình (bầu/nậm) hồ lô để đựng rượu, thuốc và các vật dụng cần thiết khác. Trong văn hoá người Việt, hình ảnh chiếc hồ lô sinh sôi được thay thế bằng một loại hình tượng gắn với tình đoàn kết các dân tộc anh em: sự tích quả bầu sinh ra các tộc người Việt Nam.

2. Chất phương Nam trong biểu tượng hồ lô

Xét về mặt không gian, hình tượng hồ lô phát sinh đầu tiên ở những vùng trồng trọt hồ lô tự nhiên. Tại Trung Hoa, đó là các vùng đất tương đối ẩm ướt, thuộc các đới khí hậu ôn đới ấm, cận thiệt đới tại lưu vực Dương Tử, Hoa Nam, Hoa Trung, cao nguyên Vân Qu‎ý v.v.. Các khu vực này trong lịch sử là vùng đất cư trú của các cộng đồng cư dân phi Hán như Miêu Man, Bách Bộc và Bách Việt. Cả ba cộng đồng này đều mang nguồn gốc nông nghiệp phương Nam. Điều này cũng dễ dàng lý giải, bởi vì hồ lô (bầu bí) là sản vật phổ biến của nền văn minh gieo trồng Đông Nam Á cổ. Chỉ mãi về sau, khi mà kỹ thuật canh nông của người Trung Hoa đã tiến bộ, người ta đã cho lai giống hồ lô và đem gieo trồng ở một số vùng đồng bằng Hoàng Hà và Trung Nguyên [Triệu Thân 2001: 87]. Ngày nay, các vùng quê Ngũ Lĩnh, Hải Nam vẫn trồng giàn hồ lô trước cửa nhà vừa cung cấp một lượng thực phẩm nhất định vừa thể hiện ước vọng phồn sinh.

Xét về mặt chủ thể, trong số 26 dân tộc thiểu số ở Trung Quốc có tục sùng bái hồ lô được khảo sát thì đa phần là các tộc người thiểu số sống rải rác ở khu vực Ngũ Lĩnh và cao nguyên Vân Qu‎ý. Ngay ở tộc người Hán thì việc sử dụng hồ lô làm biểu tượng văn hóa cũng chỉ phổ biến nhất tại miền Nam. Quá trình cộng cư, hợp chủng và giao thoa văn hóa đã “trao tay” cư dân người Hán truyền thống quý‎ trọng và sùng bái hồ lô.

Xét trên bình diện văn hóa dân gian thì hai lĩnh vực tín ngưỡng – tôn giáo và thần thoại thể hiện nhiều chất phương Nam nhất của hình tượng hồ lô. Trong tín ngưỡng – tôn giáo, thực tế tục sùng bái hồ lô gắn liền với tục sùng bái Phục Hy – Nữ Oa, sùng bái Bàn Hồ thần, sùng bái biểu tượng phồn thực v.v. phổ biến nhất ở vùng văn minh gieo trồng Nam Dương Tử. Đích xác hơn, các tín ngưỡng này thể hiện sâu sắc và gần với thời viễn cổ nhất trong văn hóa dân gian của các dân tộc thiểu số Nam Man, chẳng hạn như người Cơ Nặc ở Vân Nam, người Di ở cao nguyên Vân Quý và lòng chảo Tứ Xuyên, người Lê ở Hải Nam, người Choang ở Quảng Tây v.v.. Với tố chất nông nghiệp, cư dân Nam Trung Hoa vốn có tư duy trừu tượng, tổng hợp ở mức cao đã “biến” chiếc hồ lô thiên nhiên trở thành một thứ linh vật, một biểu tượng tâm linh, văn hóa. Còn trong tôn giáo, chỉ có Đạo giáo và Phật giáo tiếp nhận hình tượng hồ lô một cách tích cực, sâu sắc, đặc biệt là Đạo giáo. Hồ lô gắn liền với thế giới thần tiên, nơi chứa đựng bí quyết trường sinh bất lão, báu vật của các đạo sĩ. Đạo giáo hình thành ở phương Nam nên triết l‎ý – tư tưởng của Đạo giáo thấm đượm tinh thần phương Nam, gần gũi.