Bộ di vật gốm sứ Hoàng thành Thăng Long




Kẻ chợ thế kỷ XVII, có hai thương điếm Hà Lan và Anh (S.Baron).​




Phát lộ di tích Hoàng thành Thăng Long – 18 Hoàng Diệu, cùng với hàng triệu di vật khảo cổ đã được khai quật của nước Đại Việt cách nay đã hơn 1.000 năm bị chôn vùi dưới lòng đất từ thời thành Đại La (thế kỷ VII-IX).

Đây là bộ di vật đồ gốm sứ khổng lồ có vẻ đẹp tinh mỹ, sự độc đáo đến từng chi tiết, của các vương triều Lý – Trần – Lê (thế kỷ XI-XV) (đã được các nhà nghiên cứu khẳng định, chúng được sản xuất tại lò gốm Thăng Long) và những di vật gốm sứ khác của đa quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á… cũng được phát lộ ở nơi đây, đưa cho giới khoa học một cái nhìn mới mẻ về sự hội nhập, giao thoa văn hóa giữa các vương triều nước ta đã qua hàng bao thế kỷ với các nước trong khu vực, trên thế giới và sự tiếp biến văn hóa qua các triều đại nước Đại Việt.

Khi khai quật tại khu A và khu di tích Hậu Lâu, một số lượng lớn đồ gốm các loại bát, đĩa, chén, bình vò… thời Lê có loại xương gốm dày và mỏng, các loại gốm men trắng, gốm hoa lam và gốm nhiều màu…

Ngay lập tức các nhà nghiên cứu bị cuốn hút bởi những đồ gốm này vì thành trong trang trí in nổi hai con rồng chân có 5 móng, giữa lòng có chữ Quan, rất khác với gốm thời Lý và thời Trần trang trí hình rồng chân chỉ có 3 hoặc 4 móng và không có chữ Quan.

Căn cứ vào chữ Quan và hình rồng có 5 móng có in trên các sản phẩm gốm để khẳng định đấy là đồ ngự dụng (vua dùng). Trong quan niệm của người phương Đông, con người gắn với Phật pháp vũ trụ và thế giới tâm linh, rồng biểu trưng cho uy quyền tối thượng, chỉ có vua mới được sử dụng những trang trí có hình rồng.

Rồng 5 móng (ngũ trảo) biểu thị cho ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.
Rồng 4 móng (tứ trảo) biểu thị cho tứ phương: Đông – Tây – Nam – Bắc, hay cho 4 mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông. Và phải chăng 3 móng (tam trảo) biểu thị cho Trời – Đất – Người, “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Trong lịch sử Trung Hoa phong kiến chỉ duy có thời Tống là đồ ngự dụng được khắc chữ Quan dưới đáy, từ thời Nguyên trở về sau thì không còn điều này nữa. Ở Hàn Quốc, chữ Quan cũng được khắc trên các đồ dùng trong Hoàng cung. Sự phân biệt đẳng cấp rất rõ dưới thời Lê giữa vua và các nội tộc trong cung, kể cả hoàng hậu … chỉ có vua mới được dùng sản phẩm khắc chữ Quan.

Theo sử sách chép lại, Trường Lạc Cung là cung của Thái hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Hằng, vợ Vua Lê Thánh Tông và là mẹ của Vua Lê Hiển Tông, nằm trong Cấm thành Thăng Long, khi so sánh các loại gốm được khai quật ở đây với đồ ngự dụng những sản phẩm đồ gốm này chủ yếu in nổi một bông hoa cúc nhỏ có 5 hoặc 6 cánh, dưới có in chữ Trường Lạc hoặc là không có hoa văn, tuyệt nhiên các đồ gốm dùng trong cung Trường Lạc không có chữ Quan, điều này làm cho nhà nghiên cứu Tiến sĩ (TS) Bùi Minh Trí, Phó chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long khẳng định dưới vương triều Lê chữ Quan chỉ dùng cho vua mà thôi.

Và cũng chính ông tìm được một điều thú vị là: Nếu như đồ dùng của các hoàng hậu có hình chim phượng, không được in hình rồng thì ngược lại vua có quyền dùng cả những hình in kết hợp rồng và phượng. Điều đó được thể hiện qua các đồ án rồng vẽ trên đồ gốm nhiều màu của đồ ngự dụng, chân rồng có 5 móng lồng ghép, đan xen với hình chim phượng xòe rộng đôi cánh.

Ở thời Lê, sự phân định quá rạch ròi, nhận thức vua tôi, và hệ thống pháp quyền mà chỉ có vua là tối thượng, tất cả mang một bầu không khí nặng về hình thức, lễ nghi…

Do ảnh hưởng của Nho giáo, việc thi cử để chọn người tài được coi trọng, bên cạnh đó là sự du nhập của một số tà giáo từ Trung Hoa, nên vào thời Hậu Lê, đạo Phật ở Việt Nam đã mất vị trí thống trị. Nho giáo ủng hộ triệt để chế độ xã hội có tôn ti và đẳng cấp, trong đó Hoàng đế là người có quyền lực tối cao, đại diện cho trời ở chốn trần gian cai quản muôn dân.

Chính vì vậy, hình tượng rồng xuất hiện khắp nơi trong kiến trúc Hoàng thành và trên các đồ gốm ngự dụng. Rồng thời Lê không uốn theo hình lá đề như thời Lý – Trần và chân của nó thường phổ biến có 5 móng sắc nhọn.

Đồ gốm thời Lê sơ đạt đến giai đoạn cực thịnh trong hành trình phát triển đồ gốm nước ta. Có vô số những sản phẩm đồ gốm vô cùng phong phú về chủng loại, các loại bình, vò, bát, đĩa với những mẫu mã, kiểu dáng hoa văn trang trí tinh xảo.

Sản phẩm gốm được dát mỏng như vỏ trứng, rồi điểm tô vàng thật trên các đồ gốm cao cấp (hàm lượng vàng ở đây là 99,3%), trang trí hoa văn độc đáo, đường nét và kỹ pháp điêu luyện của những người thợ gốm tài hoa bậc thầy của kinh thành Thăng Long xưa làm người ta nhớ lại những lô hàng gốm được vớt lên từ những con tàu đắm dưới lòng đại dương ở Hội An (miền Trung Việt Nam), Panadan (Philippines) hay các di tích khảo cổ tại các quốc đảo của vùng Đông Nam Á như Indonesia, Philippines, có sự trùng khớp nhau về kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ, chất liệu vàng thật.

Điều này dẫn đến nhận định của các nhà khảo cổ những lò gốm sứ cao cấp tại Thăng Long ngoài việc chuyên sản xuất cho cung đình còn có nhu cầu xuất khẩu sang các nước Hồi giáo ở Đông Nam Á vào thế kỷ thứ XV. Vì đặc điểm địa lý của nước ta nên mọi sự giao lưu kinh tế văn hóa đều được diễn ra trên biển.

Sử cũ ghi lại, những sản phẩm gốm cao cấp của Việt Nam được sử dụng như những đồ vật quý, thích hợp trong các nghi lễ quan trọng ở các quốc đảo Đông Nam Á đương thời.–PageBreak–

Ngay từ những năm đầu của Công nguyên, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam qua đường biển từ các thuyền buôn của Ấn Độ. Phật giáo Trung Quốc từ thời Đường truyền bá mạnh vào Việt Nam nhanh chóng có chỗ đứng, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần của những con người Đại Việt. Thời Lý và thời Trần đất nước hoàn toàn sống trong bầu không khí Phật giáo, đâu đâu cũng xây chùa, làm tháp, nhà vua cũng muốn đi tu…

Như Vua Trần Nhân Tông sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông tìm sự thanh tịnh ở chốn cửa chùa nên đến đỉnh núi Yên Tử sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sử chép lại rằng, trước đấy cũng đã có một vị đạo hạnh, cao tăng người Trung Quốc sang Việt Nam và tu tại ngọn núi thiêng này. –PageBreak–

Trong vô vàn những cổ vật thu lượm được ở Hoàng thành Thăng Long vào thời Lý có rất nhiều những viên gạch có hình tháp Phật, những mảnh tháp sứ men trắng chạm hình tiên nữ (Apsara) đang say trong cung điệu với đường nét múa đầy uyển chuyển, vô cùng quyến rũ mang đậm phong cách nghệ thuật Chămpa.

Hình ảnh về chim thần (Garuda) hay nữ thần chim (Kinnari) hòa quyện với những trang trí hình rồng và hoa lá với đường nét tinh tế, điêu luyện mang đậm phong cách Việt có sự dung nạp kết hợp của nghệ thuật Chămpa. Tại di tích còn tìm thấy viên gạch khắc chữ Chămpa hay những mảnh vỡ của loại bình rượu quý tạo dáng hình nữ thần chim (Kinnari).

Đó chính là những nhân tố tạo nên sắc thái riêng biệt, độc đáo của nghệ thuật Lý và đã làm nhà nghiên cứu – TS Bùi Minh Trí đưa ra nhận định: “Đây là một minh chứng sinh động về sự ảnh hưởng của nghệ thuật Ấn Độ giáo đến Thăng Long vào thời Lý bằng con đường gián tiếp qua các nước Đông Nam Á trong đó có Chămpa”.

Phật giáo được bước ra từ tinh thần và hiển hiện ngay trong đời sống sinh hoạt, vật chất được thể hiện qua chất liệu gốm thời Lý trang trí phổ biến là hoa sen, hoa cúc, hình rồng, tiên nữ… (tất cả đều đậm màu sắc của Phật giáo).

Tại khu di tích khảo cổ cùng với những dấu ấn nghệ thuật độc đáo của Phật giáo qua hình lá đề, hoa sen tìm thấy trong khắp các kiến trúc di tích thời Lý, Trần, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy nhiều hình ảnh tháp Phật cao 7 tầng, 9 tầng cùng nhiều mô hình tháp Phật bằng đất nung hay sứ trắng.

Trong hình lá đề thường chạm hình rồng, phượng, tháp Phật. Hình hoa sen, cánh sen là kiểu trang trí khá phổ biến trên đầu ngói ống, đá chân tảng kê ở cột nhà. Người ta phát hiện ra một viên gạch có chữ “Hưng Hóa thiền tự”, vấn đề được đặt ra là có một ngôi chùa Hưng Hóa nào đó quanh đây?

Giáo sư sử học Phan Huy Lê nhận định: “Việt Nam về vị trí địa lý là một nước Đông Nam Á, từ rất sớm đã có quan hệ giao lưu và tiếp nhận ảnh hưởng của văn minh Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiều giá trị mang ý nghĩa toàn cầu của văn minh Trung Hoa, Ấn Độ đã được biểu thị rất rõ trong kiến tạo kinh đô, nghệ thuật kiến trúc xây dựng của khu di tích.

Nhưng các giá trị bên ngoài luôn luôn được tiếp nhận và kết hợp với những giá trị nội sinh, tạo nên những giá trị mang tính hỗn dung và vận dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên của đất kinh kỳ, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa dân tộc”.


Đồ gốm men trắng trang trí rồng và hoa sen thời Lý, thế kỷ XI.​
Với những vẻ đẹp hiển hiện qua các di vật, một lần nữa khẳng định văn hóa Đại Việt thời Lý – Trần đã đạt đến một trình độ phát triển hoàn mỹ và toàn diện. Nền văn hóa Đại Việt lúc đó được gọi là nền văn hóa Thăng Long. Mùa xuân năm 1428, Nguyễn Trãi khi phò Vua Lê Lợi đã viết trong “Bình Ngô Đại Cáo”: “Duy ngã Đại Việt chi quốc/ Thực vi văn hiến chi bang”, dịch nghĩa: Nước Đại Việt ta thực sự là một nước văn hiến.

Vùng đất Thăng Long – Hà Nội có nhiều sông hồ nên giao thương buôn bán tấp nập, cùng với chính sách cởi mở về giao lưu kinh tế, văn hóa của Thăng Long trong lịch sử đã đưa đến cho vùng đất kinh kỳ sản phẩm trù phú về số lượng và nguồn gốc.

Ở 18 Hoàng Diệu, không chỉ tìm thấy những di vật gốm đặc biệt qua các thời kỳ Lý – Trần – Lê của Nhà nước Đại Việt mà còn cả số lượng lớn các đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á… Việc đó đã đem lại nhận thức mới cho các nhà nghiên cứu khoa học.

Như những sản phẩm đồ gốm sứ cao cấp thời Tống – Nguyên tìm thấy ở đây dù rằng chỉ còn sót lại những mảnh vụn di tồn nhưng theo TS Nguyễn Đình Chiến (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), nguyên nhân đã đưa chúng đến Hoàng thành Thăng Long, có thể là một trong những quà tặng, biếu của cung đình, hay cũng là hàng hóa do các sứ bộ Đại Việt mua về để cho triều đình hoặc do triều đình mua lại của các sứ giả thiên triều đã mang sang theo lộ trình đi sứ?

Gốm thời Minh – Thanh của vương triều Trung Quốc cũng đã được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long vào (thế kỷ XV-XIX), đồ gốm tập trung nhiều hơn cả tương ứng với giai đoạn Lê sơ của nước Đại Việt vào (thế kỷ XV-XVI) nhưng đến cuối thế kỷ XVI-XVII, có thể tạm coi là thời kỳ trầm lắng trong buôn bán mậu dịch Trung – Việt. Đưa ra nhận định như vậy, vì rằng, các nhà khảo cổ tìm thấy rất ít ỏi số gốm sứ Trung Quốc trong giai đoạn này.

Khoảng năm 1371-1567, Trung Quốc thi hành chính sách cấm hải, khiến cho việc buôn bán các mặt hàng truyền thống giữa Trung Hoa và Nhật Bản bị cấm vận. Các thuyền buôn của Nhật Bản và phương Tây phải tìm địa điểm khác để thuận lợi trong việc kinh doanh thương mại bao gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Xiêm La…

Các cảng thị vùng Đông Nam Á trong thời kỳ này vô cùng sầm uất, trở thành nơi chuyên chở giao lưu hàng hóa không chỉ ở các nước trong khu vực mà còn mở rộng ra từ vùng biển Thái Bình Dương nối với các dải đất khác trên thế giới từ châu Á sang châu Âu, và ngược lại. Tại Hoàng thành Thăng Long người ta thu lượm được đồ gốm sứ Hizen có nguồn gốc từ Nhật Bản (cuối thế kỷ XVII).

Khi không thấy gốm sứ Trung Quốc xuất hiện trong thời kỳ này tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, các nhà nghiên cứu đã suy luận: “Phải chăng đồ gốm sứ Nhật Bản đã chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực thay thế cho đồ gốm sứ Trung Quốc?”.

Trong sử sách và các nguồn tài liệu ghi chép, gần như không có một dòng nào cho việc gốm Islamic có nguồn gốc từ đất nước kỳ bí Ai Cập xa xôi lại “đổ bộ” vào thị trường Việt Nam là có sự giao lưu văn hóa, kinh doanh thương mại giữa Đại Việt với Tây Á.

Việc tìm thấy những mảnh gốm men xanh lam Islamic (loại gốm nổi tiếng thế giới từ khoảng thế kỷ IX-X) trong Hoàng thành Thăng Long làm cho các nhà khảo cổ đầy hưng phấn. Trong một chuyến công du tới Bảo tàng Guimet (Paris) vừa qua, TS Bùi Minh Trí đã tiếp xúc với những mảnh gốm Islamic của Ai Cập hay Syri, niên đại thế kỷ XI-XIV.

Những mảnh gốm này do Maspéro mang về từ Việt Nam và tặng lại cho Bảo tàng Nghệ thuật châu Á quốc gia Guimet năm 1989. Cũng theo TS Bùi Minh Trí, thì “Những mảnh gốm này đều là những mảnh vỡ nhỏ thuộc loại gốm màu, được tìm thấy tại khu vực kinh thành Thăng Long xưa”.

Với những tài liệu mới này, TS Nguyễn Đình Chiến đưa ra nhận định: “Đây có lẽ là bằng chứng duy nhất đầu tiên cho biết mối quan hệ giữa đại Việt và Tây Á vào thế kỷ XI-XIV, dưới thời Lý – Trần”. Tuy việc khai quật và phát lộ những di vật ở Hoàng thành Thăng Long, những mảnh gốm Islamic tìm được không nhiều nhưng đối với các nhà nghiên cứu khoa học, nó chứng minh mối giao lưu kinh tế giữa Đại Việt và Tây Á.

Hình ảnh hiện trường khảo cổ cùng di vật:


Các cán bộ khảo cổ đang phân loại các di vật.


Khảo sát giếng nước thời Trần.


Giếng nước thời Đại La (TK VII-IX).


Khách đến tham quan tìm hiểu về một số cổ vật ở Khu Hoàng thành Thăng Long xưa tại Văn Miếu - Hà Nội.


Giếng nước thời Trần (TK XIII-XIV).


Tượng chim uyên ương thời Trần (TK XIII-XIV).


Lá đề hình rồng thời Lý - Trần.


Gạch "Đại Việt quốc quân thành chuyên" thời Đinh - Tiền Lê.


Ngói ống đầu lá đề hình rồng thời Lý (TK XI-XII).


Vò men xanh nhạt Đại La (TK VII-IX).


Đĩa men ngọc thời Lý (TK XI-XII).


Bình vòi men trắng thời Lê Sơ (TK XV).


Tượng "Đầu rồng ngậm châu" thời Trần (TK XIII-XIV).

Trần Mỹ Hiền​