Năm 1998, hai ngư dân ở Bình Thuận tình cờ phát hiện và tổ chức khai thác trái phép 33.978 cổ vật tại vùng biển thuộc tỉnh Cà Mau, nhưng sau đó bị UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi.





Trên cơ sở này, các cơ quan trung ương đã lập ra Ban chỉ đạo khai quật tàu cổ tại Cà Mau, thu được thêm trên 500.000 hiện vật khác.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hai tỉnh Cà Mau và Bình Thuận được phép xuất khẩu các cổ vật trên sang Hà Lan bán đấu giá. Lô cổ vật gây sốt ở Hà Lan Tổng cộng có trên 76.000 cổ vật được chuyển đến cảng Cát Lái (TP.HCM) rồi chở sang Hà Lan.

Theo thỏa thuận của UBND tỉnh Cà Mau và Bình Thuận thì tỷ lệ tài chính của lô hàng được chia như sau: tỉnh Cà Mau được 65%, còn Bình Thuận được chia 35%. Thông qua nhà môi giới là Công ty Unicom (Mỹ), việc đấu giá lô cổ vật khổng lồ trên được ủy thác cho Công ty đấu giá quốc tế Sotheby"s. Sau 3 ngày bán đấu giá (29, 30 và 31.1.2007), toàn bộ số cổ vật trên đã được bán sạch. Số cổ vật Việt Nam trục vớt được đã gây sửng sốt cho giới mộ điệu trên thế giới.





Trong đó có những lô cổ vật được trả giá cao gấp chục lần so với dự kiến ban đầu. Chẳng hạn như lô 69 cái dĩa và chén uống trà có hình "cậu bé cưỡi trâu" được bán với giá 49.200 euro, cao gấp 12 lần so với dự kiến, hay như bộ chén trà 74 cái có hình "chiếc lều của người Trung Quốc" được một người Nga mua lại với giá 31.200 euro, cao gấp 10 lần...

Nhiều bảo tàng đã làm giàu thêm bộ sưu tập của mình thông qua cuộc đấu giá, trong đó Bảo tàng quốc gia Anh mua rất nhiều món. Phía Southeby"s cho biết, tiến sĩ Mark Grol, Giám đốc quản lý của công ty tại Hà Lan rất hài lòng bởi đó là một cuộc đấu giá "đáng nhớ và hết sức thành công".

Thế nhưng...

Vì sao Việt Nam chỉ thu được hơn 1 triệu euro?

Theo tài liệu mà chúng tôi thu thập được, toàn bộ lô hàng trên được các nhà sưu tầm mua lại với giá trên 3,046 triệu euro (tương đương 3,9 triệu USD). Sau khi trừ thuế thu nhập ở đất nước tổ chức bán đấu giá, con số này còn khoảng 2,536 triệu euro.

Số tiền này lại tiếp tục bị "vơi" đi khá nhiều vì phải trích 20% hoa hồng cho Công ty Sotheby"s theo hợp đồng. Ngoài ra còn các chi phí khác như: Chi phí cho cuộc khai quật khảo cổ dưới nước tại khu vực tàu đắm là trên 15,5 tỉ đồng; trong đó chi phí cho đơn vị trực tiếp trục vớt là 11 tỉ đồng; 4,5 tỉ đồng dành cho việc bảo vệ, xử lý kỹ thuật và bảo quản cổ vật. Nếu quy đổi ra euro thì vào khoảng 700.000 - 800.000 euro.





Như vậy, trong việc bán lô cổ vật này, sau khi trừ đi mọi chi phí "từ A tới Z", Nhà nước ta chỉ thu về ngót nghét hơn 1 triệu euro! Điều đó cũng đồng nghĩa với chi phí của việc khai quật và bán đấu giá đã chiếm gần 2/3 trị giá lô cổ vật này. Đây quả là một con số không nhỏ.

Dù vậy, theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, một nhân vật có thẩm quyền liên quan đến việc ủy thác xuất khẩu lô hàng trên lại được phía nước ngoài trích hoa hồng khá cao. Vị này được phía Công ty Unicom trích 1% trên tổng giá trị lô hàng được bán ra, tương đương 25.000 euro. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ có thẩm quyền đồng thời cũng là một chuyên gia trong lĩnh vực đồ cổ (xin giấu tên) tỏ ra rất tiếc khi số cổ vật khổng lồ này được đem bán trong khi tiền thu về cho Nhà nước thì không được bao nhiêu.

Ông xót xa: "Du khách nước ngoài đi du lịch tại Việt Nam tỏ ra vô cùng thích thú khi mua được một vài món đồ cổ thật, dù nhỏ nhưng giá cả ngàn USD. Vậy mà lô cổ vật 76.000 cái lại bán chỉ được có hơn 3 triệu euro! Lô cổ vật trên là vô giá, bán như vậy là quá rẻ".

Nói về những chi phí tốn kém cho phía nước ngoài, ông đặt vấn đề: "Tại sao chúng ta không bán đấu giá tại Việt Nam mà phải mang sang tận Hà Lan bán để vừa tốn chi phí, vừa bị đánh thuế? Nếu như không đủ kinh nghiệm thì chúng ta vẫn có thể ký hợp đồng thuê những nhà đấu giá chuyên nghiệp sang đây để bán giúp cho mình, vừa hiệu quả cao, vừa góp phần quảng bá du lịch Việt Nam.

Theo tôi trong tương lai,Nhà nước không nên cho bán những cổ vật như thế nữa. Thu về 1 - 2 triệu euro tưởng là lớn nhưng thực ra chẳng là bao nhiêu so với giá trị của nó. Bán như vậy là làm hại cho đất nước. Thực sự tôi thấy rất tiếc!".