Chơi đồ cổ không chỉ còn là thú chơi riêng của những đại gia giàu có mà còn là nét văn hóa độc đáo. Ở đó, lưu giữ “hồn vía” của từng thời kỳ, giai đoạn lịch sử dường như chìm dần vào quên lãng.
Ở một quán cà phê nhỏ nằm ở số 11 Hàng Bún - Phường Trung Trực (Ba Đình - Hà Nội) là địa chỉ “vàng” với nhiều giới chơi xe cổ Hà Thành thích sự yên tĩnh, không ồn ã giữa chốn thị thành để thưởng lãm, mẩn mê với bộ sưu tập dòng xe cổ điển như Vespa, Mobylette, Simson, Lambretta hay CD Benly, Peugeot… Chủ nhân của quán cà phê xe cổ ấy là ông Trần Quang Vinh (sn 1959) hiện đang sở hữu gần 200 chiếc xe cổ là điều đáng mơ ước với nhiều dân chơi xe cổ ở mảnh đất kinh kỳ, nghìn năm văn hiến.


Nhà sưu tầm xe cổ Trần Quang Vinh.
Lần lựa mãi mới gặp được người đàn ông “đặc biệt” này bởi ông luôn bận bịu với niềm đam mê xe cổ của mình. Sinh ra tại Pháp cho đến mãi năm 1964, ông Vinh cùng gia đình trở về Việt Nam định cư sinh sống. Ông kể:“Thời đó, gia đình tôi trở lại quê hương đang trong thời kỳ bao cấp nên cũng gặp không ít khó khăn như bao gia đình khác ở nước ta. Có giai đoạn gặp phải bần hàn, thiếu tiền chi tiêu cho cuộc sống thường nhật nên phải lôi ra những thứ tài sản mà gia đình rất quý mang từ Pháp về để bán đi lấy tiền trang trải cuộc sống.

Rồi sau này tôi trở thành một người thợ máy khâu sửa chữa. Công việc đặc thù của mình là sửa chữa nên dần dà nảy nở tình yêu với những thứ cũ kỹ mà sau này trở thành niềm đam mê xe cổ đến tận bây giờ. Cứ mỗi lần sở hữu được một chiếc xe thời đó là cả một câu chuyện thú vị xung quanh nó khiến mình mẩn mê cả đêm”.


Dàn xe cổ điển thuộc nhiều chủng loại như Vespa, Simson, Solex,.. được ông Vinh bày trí ngăn nắp.
Sự đến với niềm đam mê dòng xe cổ điển này suốt mấy chục năm qua, ông Vinh nhớ lại: Những năm 60 của thế kỷ trước, người dân Hà Nội thường hay truyền tai nhau câu nói nổi tiếng một thời: Một yêu anh có Seiko/ Hai yêu anh có Peugeot cá vàng/ Ba yêu nhà cửa đàng hoàng/ Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng thủ đô… để thấy rằng, vào thời kỳ đó mỗi gia đình mà sở hữu được một chiếc xe Peugeot là cả một niềm mơ ước với nhiều người.

Lúc đó, ở Hà Nội chỉ cần nhìn thấy một chiếc xe đạp như thế là biết ngay của nhà ai bởi thời đó có được nó là quý lắm. Sau này công việc ổn định rồi, kinh tế có điều kiện hơn thì lúc đó mình nghĩ đến việc đời sống cá nhân đầy đủ rồi nên người ta sẽ hồi tưởng lại quãng thời gian đã qua. Thế là, mình quyết định dành thời gian đi nhiều nơi trong và ngoài nước để đi sưu tập những thứ đó mà sau này mở rộng ra “rước” cả những chiếc xe máy “vang bóng một thời” về nhà mình cho thỏa niềm đam mê. Mỗi chiếc xe thời đó mang một giá trị lịch sử, dấu ấn của một nền văn hóa mà đất nước đã trải qua nên cần phải sưu tập, gìn giữ nó.


Một chiếc xe Volkswagen cổ được sản xuất những năm 1974-1975.
Ông Vinh cho hay, sau khi Sài Gòn giải phóng, nhiều chiếc xe máy được người dân đem ra ngoài Bắc để đi thì bị vỡ số, côn chết nên mình phải “tân trang” lại cho nó phù hợp từ hộp số, lốp xe thì mới chạy lại được. Bên cạnh đó, mình cũng phải thay đổi dung tích xi lanh cho động cơ máy để có thể chạy trơn tru hơn so với ban đầu. Tuy nhiên, việc sửa chữa cũng phải có tay nghề, thiết bị phụ tùng xe phải phần nào còn “nguyên bản” nhập từ nước ngoài về chứ nếu sửa lại toàn bộ thì không còn là sưu tập nữa rồi.

“Đến với dòng xe cổ điển này mình phải có kiến thức am hiểu, tường tận từng chi tiết của xe thì mới gọi là dân đam mê xe thứ thiệt. Ví như, chỉ cần mình nhìn một chiếc xe nào đó là đon được nó là đời thứ mấy, phân khối bao nhiêu, kích cỡ vành, lốp như thế nào…Mỗi chiếc xe là một chiều sâu giá trị của lịch sử. Giá trị của nó nằm ở chỗ là sự “sống sót” của một nền văn hóa dân tộc đã trải qua”, ông Vinh tâm sự.


Một góc bộ sưu tập xe đạp cổ của ông Vinh tại 11 Hàng Bún (Hai Bà Trưng - Hà Nội).
Ông Vinh cho hay, khi ông quyết định mở quán cà phê xe cổ này với mong muốn phần nào đó là địa chỉ tin cậy để giao lưu bạn bè, thưởng thức những chiếc xe của một thời này để hiểu hơn về nền văn hóa của người Hà Nội thời kỳ đó. Đời sống con người ngày càng được nâng cao nên xu hướng người ta thường chiêm nghiệm lại những thứ gì thuộc về lịch sử mà chúng ta không được phép lãng quên bởi đó là dấu tích của một nền văn hóa còn “sót lại” đến bây giờ.