“Sống dầu đèn, chết kèn trống”, dân gian đã có câu thành ngữ có ý chỉ mức độ quan trọng của chiếc đèn dầu (đèn Hoa Kỳ, đèn hột vịt) trong đời sống hàng ngày. Nhiều thập kỷ qua, khi cả nước đã được điện khí hóa, những chiếc đèn dầu với ánh sáng leo lét là vật bất ly thân trong cuộc sống mỗi nhà đã trở thành ký ức chỉ còn tồn tại trong ký ức những người hoài cổ.
Những chiếc đèn dầu thưở nào hiếm dần, hiếm đến mức độ trở thành thứ đồ được ráo riết săn tìm của những người mê đồ cổ, và có thể có giá lên tới vài chục triệu.

“Đỏ mắt” tìm đèn dầu cổ

Những nhà nghiên cứu lịch sử cho biết, đèn dầu cổ lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam là khi những nhà truyền giáo Pháp đến Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX nhưng chưa được phổ biến, chỉ những nhà giàu mới có đủ tiền dùng đèn dầu. Ít năm sau đó, hãng dầu “Con sò” (nay là hãng Shell của Mĩ) mang dầu hỏa sang bán ở Việt Nam. Thế nhưng dân ta quen dùng đèn dầu lạc, nến (bạch lạp)... nên dầu hỏa của hãng này “ế sưng”.

Những người bán dầu hỏa đã nghĩ ra một "chiêu"tiếp thị độc đáo: mua dầu được tặng đèn. Đèn dầu phổ biến từ ngày ấy, và cái tên đèn Hoa Kỳ cũng ra đời từ nguyên cớ này. Còn ở miền Nam, người dân gọi đèn dầu là đèn hột vịt, theo lý giải của một số người là do bóng đèn (thông phong) giống như hột vịt (quả trứng).

Các nhà truyền giáo ngày ấy thường vào Việt Nam bằng đường biển nên ngày nay, giới mê đèn cổ thường đến các tỉnh ven biển săn lùng đèn cổ.

Ngày nay, phần lớn những chiếc đèn dầu không còn nguyên bản sau hàng mấy trăm năm đảm nhiệm việc tỏa ánh sáng. Chiếc bị thay bầu đựng dầu, chiếc bị thay tay cầm, có chiếc còn bị thay cả máy... Một người chơi đồ cổ cho biết, chiếc đèn dầu nguyên bản của Pháp bao giờ cũng phải hội đủ 4 đặc điểm gồm: 1. Đế đèn phải được làm từ đồng nguyên chất (có thể có hoa văn hoặc không); 2. Tay cầm trên thân đèn phải bằng đá Italia là loại đá đẹp, đắt, sang trọng nhất thời bấy giờ với những đường vân đẹp như ngọc; 3. Bầu đèn phải được làm bằng thủy tinh crystal là loại thủy tinh dày được mài đi theo kiểu dáng thẩm mỹ, ít khi bị vỡ. 4. Máy đèn (dùng để điều chỉnh độ cao thấp của bấc đèn) phải là của Pháp sản xuất có ký hiệu riêng của từng hãng, trên núm vặn cũng phải có ký hiệu của hãng sản xuất.

Chiếc đèn dầu cổ rất đẹp mà các nhà sưu tập mua được.

Đó là đặc điểm của những chiếc đèn dầu cây cổ còn nguyên bản xuất xứ từ nước Pháp. Một loại đèn cổ thứ hai cùng du nhập về Việt Nam thời bấy giờ là đèn dầu bấc loại treo. Về cơ bản, các bộ phận của chiếc đèn dầu treo cũng tương tự như chiếc đèn dầu cây, chỉ có điểm khác là có 3 quai để treo lên cao. Quai treo được làm bằng gang. Nhưng chiếc đèn treo cổ nhất, đắt nhất và cũng hiếm nhất là loại có quai treo bằng đồng.

Ở những chiếc đèn dầu “loại độc” này còn có một quả tạ có xích, người sử dụng có thể điều chỉnh lên cao, hạ xuống để sửa chữa hay đổ thêm dầu, chứ không phải bắc thang lên như các loại đèn khác.

Để săn lùng được những chiếc đèn dầu cổ xuất xứ từ Pháp là công việc không hề đơn giản. Người không có điều kiện thì cứ đợi chờ đằng đẵng suốt cả năm trời cho tới ngày của phiên chợ Viềng ở Nam Định mà lùng đèn cổ. Cũng có người may mắn vớ được chiếc đèn Pháp cổ được chủ nhân của nó đem bán vì đã bị vỡ bầu thủy tinh hoặc hỏng núm vặn bấc. Hiếm hoi lắm thì cũng có chiếc đèn tương đối còn nguyên bản được mang ra bày bán ở phiên chợ đồ cũ này. Người có điều kiện hơn một chút thì không ngại lùng sục vào các tỉnh miền Trung, hoặc thậm chí bay sang tận Thái Lan mò mẫm nhiều ngày trong các khu chợ đồ cũ mong tìm được chiếc đèn cổ ưng ý.

Đồ “đồng nát” giá tiền triệu

Một tay chơi đèn cổ có tiếng ở Hà Nội là ông Nguyễn Văn Trường hiện đang sở hữu một số lượng tương đối lớn những chiếc đèn dầu Pháp cổ, trong đó có chiếc đèn dầu nguyên bản hiếm hoi còn lại từ hàng trăm năm trước với đầy đủ các bộ phận như đế đèn làm từ đồng nguyên chất; bầu đèn làm bằng thủy tinh crystal dày kiểu dáng thẩm mỹ; máy đèn có ký hiệu riêng của từng hãng... Chiếc đèn dầu Pháp cổ nguyên bản này có dáng dấp thanh thoát, mỹ miều với đường hoa văn uốn lượn cầu kỳ bằng chất liệu đồng bao quanh cả chiếc đèn. Bầu đèn được làm bằng thủy tinh crystal trắng muốt nổi bật giữa màu đồng.

Đèn dầu, máy hát đã thành dĩ vãng trong tâm trí người dân Việt Nam.

Để mua được chiếc đèn này, ông Trường đã lặn lội cả đêm về tận Nam Định lùng sục. Ông kể lại, hôm đó là ngày 6 tết âm lịch 2009, khi đang ở nhà thì nhận được tin báo ở vùng biển Hải Hậu có người đang muốn đem cây đèn dầu từ thời Pháp đến chợ Viềng bán. Lúc ấy trời đã bắt đầu nhá nhem tối, ông Trường cùng người bạn liền bắt xe về Nam Định.

“Xe khách chỉ về đến thành phố nên chúng tôi phải bắt luôn taxi đi mấy chục cây số trong đêm nữa mới đến được Hải Hậu, vì lỡ để đến hôm sau người ta mang ra chợ Viềng thì sẽ có người mua mất. Hơn 11 giờ đêm hôm ấy, chúng tôi mới đến nhà người có cây đèn. Thoạt nhìn, tôi đã mê ngay, người chủ cây đèn cũng cảm cái công chúng tôi lặn lội đêm hôm nên đã đồng ý bán luôn chứ không gây khó khăn gì”, ông Trường kể lại.

Bây giờ, giá cây đèn dầu Pháp nguyên bản ấy được người ta trả tới ngót nghét 40 mươi triệu nhưng ông vẫn giữ lại cho bộ sưu tập của mình. Ông bảo, bây giờ bán đi có muốn kiếm mua chiếc khác cũng khó nên ông cất giữ chiếc đèn ấy cẩn thận trên phòng thờ của gia đình.

Những chiếc đèn dầu Pháp cổ khác cũng có giá đắt đỏ không kém. Chiếc đèn dầu bầu thủy tinh trông qua tưởng như một món đồ cũ kỹ, hỏng hóc cần vứt bỏ có thể lên tới hơn gần 40 triệu. Một tay chơi đèn cổ từng mua một chiếc đèn dầu quai treo nguyên bản ở Đà Nẵng mà phải trả cho người bán hơn 30 triệu, chưa tính khoản tiền mà người đi lùng phải đi lại, ăn ở hàng chục ngày tại miền Trung. Ngay cả những chiếc đèn đã bị thay đồ, có khi là bầu thủy tinh đựng dầu hay tay cầm đèn, núm vặn đèn... cũng dao động trong khoảng 3 đến 4 triệu đồng.

Ông Trường cho biết, tìm được đèn cổ đã khó, nhưng tìm “phụ kiện” của đèn có khi còn khó hơn. Nhiều chiếc đèn cổ thiếu bóng đèn (thông phong), các tay chơi đồ cổ thậm chí phải cất công vẽ kiểu và nhờ các lò thổi thủy tinh làm theo mẫu vẽ. “Chế” bấc đèn cũng vậy, người thì mày mò tự làm ra sợi bấc kích cỡ to nhỏ cho mỗi loại đèn, người thì tình cờ phát hiện ra việc dây giày ba – ta là loại bấc lý tưởng nhất cho những chiếc đèn dầu cỡ nhỏ...