Kết quả 1 đến 3 của 3
  1. #1
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0

    Là dân chơi đồ cổ, phải biết tới Hoàng thành Thăng Long

    Giá trị khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long

    (Chinhphu.vn) – Các cuộc khai quật khảo cổ từ năm 2011 đến 2013 tại Hoàng thành Thăng Long có giá trị khoa học rất lớn đối với việc nghiên cứu của tổng thể Hoàng thành Thăng Long và khu vực trung tâm xung quanh điện Kính Thiên.





    Giếng nước thời Đại La, thế kỷ VIII - IX. Ảnh Huy Anh



    GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Sử học Việt Nam từng đánh giá: “Càng nghiên cứu càng hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long”. Mỗi cuộc khai quật đều đem lại một khối lượng lớn các di vật cho phép hiểu rõ thêm tính chất Hoàng cung của khu di tích và góp nhiều di vật quý cho Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long trong tương lai.

    Qua các cuộc khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã nhận định, lần đầu tiên tại khu vực không gian điện Kính Thiên, khảo cổ học đã xác nhận tầng văn hóa dày trên 4m với nhiều lớp văn hóa liên tục chồng xếp lên nhau: Thời Đại La, thời Lý, thời Trần, thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn. Về cơ bản trật tự của lớp văn hóa của khu vực điện Kính Thiên thống nhất với khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Các nhà khoa học đã xác định bước đầu một hệ thống các di tích kiến trúc của các thời kỳ lịch sử nối tiếp nhau liên tục.

    Thời Đại La trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội kéo dài khoảng 3 thế kỷ (VII – VIII – IX). Trong lớp văn hóa Đại La, cùng với các móng trụ kiến trúc, các nhà khảo cổ tìm thấy hàng nghìn di vật, loại di vật nhiều nhất là gạch, ngói in chữ “Giang Tây quân” là loại gạch do quân đội đô hộ Trung Quốc sản xuất phục vụ cho các công trình xây dựng ở phủ thành Đại La. Thời kỳ này có nhiều biểu hiện giao thoa văn hóa Việt – Hán. Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy loại hình gạch, ngói mang đậm sắc thái Việt như ngói “dương” trang trí nổi hình mặt hề, hình linh thú với đường nét đơn giản nhưng sống động…




    Ngói úp nóc lớn lợp giữa mái gắn lá đề, hai mặt trang trí rồng có niên đại ở thời Lý (thế kỷ XI - XII). Ảnh Huy Anh



    Ở thời Lý, trải qua hơn nghìn năm do biến thiên của thiên nhiên và xã hội, các cung điện nguy nga xưa của thời Lý đều đã bị mất đi. Song những cuộc khai quật khảo cổ từ năm 2002 đến nay đã tìm thấy dấu tích hàng trăm nền móng kiến trúc, hàng nghìn di vật là dấu tích của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần.

    Các nhà khoa học đã tìm thấy những viên gạch xây hình vuông và hình chữ nhật in trên mặt gạch chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (gạch tạo thời vua nhà Lý thứ 3 tức Lý Thánh Tông năm Long Thụy Thái bình thứ tư, 1057); gạch lát nền hình vuông có nhiều loại được trang trí hoa sen, hoa cúc…; trang trí trên bộ mái phong phú từ rồng, phượng, uyên ương, sư tử… dưới hình thức tượng tròn, phù điêu, các lá đề lệch, cân xứng, đầu ngói hình tròn… tạo nên những bộ mái kiến trúc đặc sắc trong kiến trúc hoàng cung cùng thời trên thế giới.

    Gốm men là một thành tựu vĩ đại của người thời Lý ở Thăng Long. Gốm xây dựng có các mảnh mô hình tháp và ngói tráng men mang tính nghệ thuật cao; những đồ gốm ngự dùng trong Hoàng cung được tìm thấy với các dòng gốm men trắng, men ngọc, men vàng, men lục, men nâu… Gốm thời Lý không chỉ đẹp về dáng, về men lại còn đẹp cả về hoa văn chạm rồng, hoa sen, hoa mẫu đơn…




    Ấn "Sắc mệnh chi bảo" là Ấn của Vua dùng để ban cấp cho văn võ, phong tặng cho thần dân, chất liệu gỗ có niên đại thời Trần (thế kỷ XIII - XIV). Ảnh Huy Anh



    Đến thời Trần, các dấu tích kiến trúc đã tìm thấy bó nền, cống nước, bồn hoa, móng tường, dải hoa chanh. Về nghệ thuật, nhận định của các nhà khảo cổ cho thấy, nghệ thuật dân tộc ở Thăng Long vừa tiếp nối nghệ thuật thời Lý, vừa có những đổi mới. Gạch, ngói vẫn là các hình thức thể hiện như thời Lý nhưng nghệ nhân thời Trần chú ý phát triển loại ngói hình cánh sen có đầu múi hình mũi sen được hớt cong mềm mại. Loại ngói lợp kiểu này trên thế giới duy nhất thấy ở Việt Nam, được thời Trần phát triển thành hướng chủ đạo trong nghệ thuật kiến trúc cung đình. Các hình rồng, hình phượng, uyên ương, sư tử, sen, cúc đều có sự lược bớt các chi tiết, cấu trúc, giảm bớt độ tỉa tót, giảm dần độ uốn cong của đường nét và giảm độ trau truốt của hình khối.




    Ngói hình thang thời Trần (thế kỷ XIII - XIV). Ảnh Huy Anh



    Trong lịch sử, Thăng Long – Đông Kinh được nhà Lê Sơ (1428 – 1527) xây dựng mở rộng lớn so với thời kỳ trước đó. Các nhà khảo cổ đã xác định được dấu tích móng Ngự đạo, sân nền Đại Triều lát gạch vuông, dấu tích kiến trúc hành lang… Số lượng gạch, ngói thời Lê Sơ được tìm thấy chiếm số lượng đồ sộ trong quá trình khảo cổ tại khu di sản. Gạch thời Lê Sơ có sự thay đổi về hình dáng và khối lượng, chủ yếu là loại gạch vồ có tiết diện dày gấp đôi, gấp ba gạch xây thời Lý – Trần.

    Gốm thời Lê Sơ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử gốm sứ Việt Nam với đỉnh cao là dòng gốm hoa lam và gốm men trắng mỏng thấu quang có trang trí rồng, phượng, sen, cúc… Hai dòng gốm này chiếm vị trí độc tôn trong việc cung cấp đồ Ngự dụng cho Hoàng Đế, Hoàng gia.

    Ở thời Nguyễn, các nhà khảo cổ xác định thấy rõ lớp trên của bó nền điện Kính Thiên, sân nền trước điện Kính Thiên được tôn cao hơn và xây gạch Bát Tràng. Các móng trụ bằng gạch chỉ ở Bắc Đoan Môn có thể là dấu tích của điện Thị Triều thời Nguyễn.




    Tượng đầu rồng, trang trí góc mái, chất liệu đất nung thời Lê (thế kỷ XV - XVII). Ảnh Huy Anh



    Như vậy, các cuộc khai quật khảo cổ ở khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long bước đầu khẳng định rõ tính chất trung tâm của khu vực điện Kính Thiên thời Lê, cung cấp nguồn tư liệu xác thực phục vụ công tác tìm hiểu, phục dựng không gian Chính điện Kính Thiên. Bên cạnh đó, cho phếp đoán định khi mở rộng khai quật có thể xác định rõ hơn các tổ hợp kiến trúc thời Lý và thời Trần và sẽ làm tăng giá trị gấp bội phần khu vực không gian điện Kính Thiên.

    Theo Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, những cuộc khai quật sau năm 2010 theo kiến nghị của UNESCO mới chỉ bước đầu với diện tích cực kỳ khiêm tốn. Trong các năm tiếp theo, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan từng bước triển khai các kế hoạch trung hạn và dài hạn để ngày càng hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

    Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới năm 2010 có tổng diện tích hơn 18,3 ha gồm trục trung tâm Cột Cờ - Đoan Môn – nền điện Kính Thiên – D67 – Bắc Môn và địa điểm khảo cổ học 18 Hoàng Diệu.

    Khu di sản với theo quy mô hiện nay chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể Hoàng thành Thăng Long rộng lớn mà vua Lý Thái Tổ quy hoạch năm 1010. Tuy nhiên, quy mô hiện nay chính là bộ phận cốt lõi nhất, tinh túy nhất tiêu biểu cho lịch sử xây dựng kinh đô cũng như lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.



    Huy Anh

  2. #2
    Ngày tham gia
    Sep 2015
    Bài viết
    9
    cần những bài viết như thế này đó a. sao không thêm 2 hoặc 3 tags sẽ ok hơn. ihih

  3. #3
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0
    Trích dẫn Gửi bởi THẾ GIỚI ĐỒ CỔ
    cần những bài viết như thế này đó a. sao không thêm 2 hoặc 3 tags sẽ ok hơn. ihih
    ah, a đang test thử thôi, chờ chốt từ rồi làm tiếp luôn.

Các Chủ đề tương tự

  1. Đèn thăng long xưa
    Bởi nurseshirts trong diễn đàn Làng Đèn - Bật Lửa
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 08-28-2016, 04:41 PM
  2. 2 cây đèn dầu Thăng Long.
    Bởi mewxu trong diễn đàn Làng Đèn - Bật Lửa
    Trả lời: 1
    Bài viết cuối: 08-05-2016, 06:33 AM
  3. Bộ di vật gốm sứ Hoàng thành Thăng Long
    Bởi duhocvic trong diễn đàn Làng Kiến Thức
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 02-27-2016, 04:11 PM
  4. Cặp đèn Măng xông - Thăng Long xưa
    Bởi hehechoi trong diễn đàn Làng Đèn - Bật Lửa
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 12-28-2015, 06:08 PM
  5. Giao lưu Đèn đồng Thăng Long và Đồng hổ cổ trưng bày
    Bởi thach1990 trong diễn đàn Làng Đồ Đồng, Kim Loại
    Trả lời: 0
    Bài viết cuối: 01-27-2015, 04:36 PM

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •