Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, bên cạnh Thảo cầm viên. Đây là nơi bảo tồn và trưng bày hàng chục ngàn hiện vật quí được sưu tầm trong và ngoài nước Việt Nam






Ngày 18 tháng 2 năm 1927 nhà sưu tập Holbé qua đời , đề lại nhiều cổ vật trị giá 45.000 bạc Đông dương ( một số tiền lớn lúc bấy giờ ) . Sau khi vận động một số nhà hảo tâm mua bộ sưu tập lớn đương thời là sưu tập Holbé với hàng ngàn hiện vật, hội Nghiên cứu Đông Dương đem tặng toàn bộ hiện vật mà họ sở hữu cho nhà nước thuộc địa và đề nghị chính phủ thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ thành lập Viện Bảo tàng với điều kiện hội được đóng trụ sở và đặt thư viện trong Bảo tàng.

ngày 24-11-1927, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse ra nghị định thành lập Musée de la Cochinchine tức Bảo tàng Nam kỳ với trụ sở được chọn như hiện nay là tòa nhà lớn đang chuẩn bị xây vào năm sau đó: Năm 1928 – trong Thảo Cầm viên Sài gòn (ở phía trái cổng vào) do kiến trúc sư Delaval vẽ kiểu, mà trước đây dự kiến làm Musée du Riz (Bảo tàng Lúa gạo), sử dụng chung cổng ra vào với Thảo Cầm Viên.

Về mặt quản lý , trong nghị định thành lập , Bảo tàng Nam kỳ có quy chế riêng trực thuộc trường Viễn Đông Bác cổ , nhưng hội nghiên cứu Đông Dương lại được đặt trụ sở trong Bảo tàng . Vì vậy ngày 8 tháng 6 năm 1928, viên Bảo thủ văn thư của Hội nghiên cứu Đông Dương là Jean Bouchot đồng thời cũng là thành viên của trường Viễn Đông Bác Cổ được cử làm Giám thủ đầu tiên của Bảo tàng ( tương đương chức Giám Đốc ) . Sau đó, có lẽ vì muốn cho thấy vai trò của người Pháp trong việc hình thành hệ thống Bảo tàng ở Đông Dương nên ngày 6-8-1928, lại có một nghị định đổi tên Bảo tàng Nam kỳ thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse tức lấy tên người ký nghị định thành lập Bảo tàng làm tên Bảo tàng – và ngày 1-1-1929 Bảo tàng chính thức ra mắt công chúng.

Nhiệm vụ của Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse là như sau: “… có mục đích tập trung và gìn giữ tất cả các vật cũ ở Đông dương có tính cách mỹ thuật và khảo chứng, đặc biệt là những vật tìm thấy trong những dịp đào đất hay làm công tác gì trên địa hạt Nam kỳ, kể cả những vật điêu khắc riêng biệt mà sự bảo vệ khó thực hiện được chu đáo ở nơi phát hiện vì tình thế, chất liệu hoăc kích thước của vật đó.”

Trong 18 năm tồn tại dưới chính quyền thực dân Pháp . Bảo Tàng Blanchard de la Brosse trải qua 2 đời Giám Thủ :

1. Jean Bouchot : nhà nghiên cứu, Giám thủ từ năm 1928-1932.
2. Louis Malleret: nhà khảo cổ học, Giám thủ từ năm 1932-1946.

Năm 1945, sau khi Cách Mạng tháng 8 thành công, Ngày 20 tháng 10 năm ấy, Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra nghị định đổi tên các Học viện, Thư viện và Bảo tàng. Theo đó, Bảo tàng Blanchard de la Brosse được đổi tên là Gia Định Bảo Tàng Viện. nhưng thực ra chính quyền người Việt ở Nam Kỳ không nắm quyền quản lý Bảo tàng mà phải theo mô hình cũ cũng như nhờ đến sự trợ giúp của người Pháp , đã có những người Pháp do trường Viễn Đông Bác Cổ biệt phái tiếp tục thay nhau làm Giám Thủ Bảo Tàng :

1/Louis Malleret , tiếp tục được lưu dụng 1946 – 1948

2/Pierre Dupont , nhà nghiên cứu – 1948 – 1950

3/Bernard Groslier , chuyên gia nghiên cứu văn hóa Champa -1951-1954

Từ năm 1948 Vương Hồng Sển đã vào làm việc tại Bảo tàng, đến năm 1954 khi cử Vương Hồng Sển làm Quyền Giám thủ, chế độ Sài gòn mới thực sự quản lý Bảo tàng, Bảo tàng không còn trực thuộc hội Nghiên cứu Đông Dương cũng như không còn các nhân viên người Pháp nữa.

Ngày 16 tháng 5 năm 1956, theo nghị định 321-GD/NĐ, chính quyền Sài gòn đổi tên Bảo tàng Blanchard de la Brosse thành viện Bảo tàng Quốc Gia Việt Nam (Sài Gòn). Dưới chế độ Sài gòn, về mặt quản lý, Bảo tàng cũng có quy chế riêng trực thuộc Viện Khảo cổ của bộ Quốc gia Giáo dục (sau là bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên) chính quyền Sài gòn nhưng căn phòng phía sau đại sảnh bát giác vẫn còn dành cho hội Nghiên cứu Đông Dương làm thư viện hội.

Nhiệm vụ của Viện Bảo tàng Quốc Gia Việt Nam tại Sài Gòn được quy định rất đơn giản

*Nghiên cứu sưu tầm và trưng bày trong viện những di tích và các tài liêu cổ thời thuộc về mỹ thuật , sử học , cổ học và nhân chủng học gồm chung của nước Việt Nam cũng như các nước lân cận hoặc đồng hóa : Trung Hoa , Nhật Bản , Cao Ly , Cao Miên , Phù Nam , Lào , Thái Lan , Tây Tạng , Ấn Độ , Cổ Chiêm Thành …

*Tập trung về một chỗ và tàng trữ chung tại Viện những cổ vật hoặc di tích còn ẩn tàng trên lãnh thổ Việt Nam …

Từ năm 1956- 1975 Bảo tàng đã được quản lý bởi các quản thủ sau:
1. 1956-1964:Vương Hồng Sển, nhà nghiên cứu
2. 1964-1969: Nguyễn Gia Đức, kiến trúc sư
3. 1969-1975: Nghiêm Thẩm, giáo sư Dân tộc học.

.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Bảo tàng được được Chính quyền Cách mạng tiếp thu nguyên vẹn. Sau đó, vào ngày 26 tháng 8 năm 1979, ngành chức năng đã cho đổi tên là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đổi lại là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay.

Bảo tàng Lịch Sử có chức năng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc qua các hoạt động nghiên cứu , sưu tầm , giám định , kiểm kê , bảo quản , bảo vệ , phục chế , phục hồi , trưng bày , thuyết minh , tuyên truyền , xuất bản , ấn phẩm , maketing … giới thiệu các tư liệu , hiện vật có liên quan đến lịch sử VN , các nước trong khu vực nhằm góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ VN , đáp ứng thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu , nghiên cứu cũng như thưởng ngoạn của khách tham quan trong và ngoài nước về lịch sử và các sưu tập cổ vật

Hệ thống trưng bày của Bảo tàng hiện có 2 nội dung :

1/ Lịch sử Việt Nam từ khởi thuỷ đến hết thời Nguyễn (1945) với 10 phòng trưng bày:

* Việt Nam thời Tiền sử

*Thời Hùng Vương

*Thời Đấu tranh giành độc lập dân tộc

*Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý

*Thời Trần

*Văn hoá Champa

*Văn hoá Óc Eo

*Thời Lê

*Thời Tây Sơn

*Thời Nguyễn

2/ Một số sưu tập về lịch sử – văn hoá các nước trong khu vực với 8 phòng và khu trưng bày:

* Tượng Phật một số nước Châu Á:

*Súng thần công thế kỷ 18-19

*Điêu khắc đá Campuchia

*Gốm một số nước Châu Á

*Xác ướp Xóm Cải (TPHCM)

* Sưu tập Vương Hồng Sển

*Văn hoá các thành phần dân tộc phía Nam

*Một phòng trưng bày ngắn hạn luân phiên trưng bày từ 3 đến 9 tháng, giới thiệu những sưu tập cổ vật mới phát hiện.


Vị trí và Kiến Trúc


Bảo tàng Blanchard de la Brosse được đặt tại một công thự nằm trong một khu vườn rộng lớn (trở thành Thảo Cầm Viên Sài Gòn năm 1864) ở phía đông thành Phiên An, gần dinh Tân Xá (do chúa Nguyễn Ánh sai dựng để Giám mục Bá Đa Lộc làm nơi dạy dỗ Hoàng Tử Cảnh ).

Công thự do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế theo lối Đông Dương cách tân và được hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon thực hiện trong 3 năm : 1926 – 1927 – 1928

Phần giữa công thự có một khối bát giác (gợi nhớ quan niệm về bát quái củaKinh Dịch ) có 2 nóc mái lợp ngói ống, có gắn vật trang trí hình phụng , hình rồng cách điệu. Trên cùng, là 4 quả cầu nhỏ dần và đặt chồng lên nhau. Vì vậy, có người cho rằng phần nóc mái này, mang nhiều yếu tố của kiến trúc cổ Trung Quôc ..

Vào những năm đầu 70 của thế kỷ 20, Bảo tàng được mở rộng diện tích bằng việc xây thêm phần sau dạng chữ U theo thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng. cùng là dãy nhà ba tầng với hai lớp mái, có gắn đầu rồng kiểu gặm trang trí ở các góc mái. Nhờ các cửa đều hướng ra hồ cây cảnh, nên phòng trưng bày khá thoáng mát và sáng sủa.

Thông tin bạn cần biết :

Tại Bảo tàng Lịch sử, quý khách còn có thể tham quan:

1. Đền thờ Hùng Vương- một công trình xây dựng đầu thế kỷ 20 theo kiến trúc cổ Phương Đông được công nhận “Di tích cấp nhà nước” năm 2012- từ năm 1956 được chọn là nơi thờ kính, tưởng nhớ các vua Hùng và các vị Tổ tiên thành lập nước Văn Lang.

2. Tra cứu tư liệu tại Thư viện Bảo tàng với trên 12000 đầu sách có niên đại từ thế kỷ 19 đến nay với các loại ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nhật, Thái…(trước đây là thư viện của Hội Nghiên Cứu Đông Dương, thành lập từ cuối thế kỷ 19).

3. Xem trình diễn Múa Rối Nước- một hình thức biểu diễn văn nghệ dân gian của nước Đại Việt xuất hiện từ hơn 1000 năm trước.

4. Mua sách về cổ vật cũng như những vật dụng kỷ niệm và thưởng thức café trong shop Bảo tàng…

*Giá vé người lớn : 2000 đ

*Miễn phí cho trẻ em từ 15 tuổi trở xuống tham quan Bảo tàng trong dịp hè ( 2012 ).

*Giờ mở cửa : 8g – 17g từ thứ ba đến chủ nhật .

*Thứ hai hàng tuần nghỉ .

* Chụp hình – quay phim giá vé : 22.000 đ .

* ĐT : 08.38298146 – 38290268 .

* Email : btlsvnhcm@yahoo.com

Khanhhoathuynga tổng hợp .

Nguồn tham khảo : Bảo tàng Lịch Sử VN – TPHCM

Trích dẫn môt số bài viết của TS Phạm Hữu Công ( PGĐ BTLSVN – TPHCM ) .


BẢO TÀNG LỊCH SỬ VN TPHCM P I
<iframe width="500" height="300" src="https://www.youtube.com/embed/VKAoVVidYEA?wmode=opaque" frameborder="0" allowfullscreen=""></iframe>


BẢO TÀNG LỊCH SỬ VN - TPHCM P II
<iframe width="500" height="300" src="https://www.youtube.com/embed/ZISl9qrt1wM?wmode=opaque" frameborder="0" allowfullscreen=""></iframe>


BẢO TÀNG LỊCH SỬ VN TPHCM P III<iframe width="500" height="300" src="https://www.youtube.com/embed/HvGeqFRCSHM?wmode=opaque" frameborder="0" allowfullscreen=""></iframe>