Nhân coi mấy bức ảnh được gọi là thuộc Surrealism của Skoglund, xin nói qua đôi chút về trường phái này, trước khi đi vào bình luận ảnh.

Vấn đề của thời hiện đại là sau một thời gian tin tưởng vào vũ trụ quan cơ học, vào phương pháp khoa học, thực nghiệm, tư duy lý tính v.v…, con người bỗng phát hiện ra mình bị đẩy khỏi trọng tâm và bị cỗ máy hay hệ thống chi phối. Hậu hiện đại vì lý do đó ra đời. Đó là một hệ hình có chủ đề chính là “tái phát hiện con người”. (Lưu ý là có rất nhiều kiến giải khác nhau, dẫn đến nhiều dòng Hậu hiện đại khác nhau.)

Dòng expressionism là một trong những dòng hậu hiện đại đó, với quan điểm cho rằng chỉ có cảm nhận chủ quan mới là real (thực). Trong mọi tác phẩm, họ tìm cách thể hiện tình cảm, cảm nhận cá nhân của người nghệ sĩ. Cho dù tác phẩm diễn đạt một cảnh quan, tĩnh vật, thì đó cũng là nhằm thể hiện một cách nhìn, một tình cảm đặc biệt, cá thể của nghệ sĩ.

Tuy nhiên, cái gọi là cảm nhận, tình cảm cá nhân có thực là “của cá nhân” không, hay chẳng qua cũng là một sản phẩm của hệ thống, lại là một khúc mắc. Freud đã chứng minh là rất nhiều cảm nhận của con người đã bị bóp méo bởi lý trí. Mà lý trí thì lại có thể được tạo lập bởi hệ thống.



Max Ernst, The Elephant Celebes (1921)

Dựa theo Freud và Breton, các nghệ sĩ dòng Surrealism những năm 20, 30 cho rằng ẩn sâu trong tiềm thức (unconscious) có những loại cảm nhận mang nhiều tính thực nhất, vì ít bị lý trí bóp méo nhất. Nếu những cảm nhận, tình cảm chủ quan của trường phái Biểu hiện có thể gọi là “thực” (real), thì thứ cảm nhận tiềm thức này còn phải gọi là “trên cả thực” (surreal – mà Việt Nam hay dịch là “siêu thực”). Và họ tìm ra rất nhiều kỹ thuật (thường loanh quanh xung quanh khái niệm automatism, tự động, tức là khiến cho các tiềm thức này tự động bộc lộ ra ngoài mà không bị lý trí kiểm duyệt – kiểu “hoa tự mọc”). Từ đó mà có rất nhiều hình ảnh kiểu như trong mộng, tuy có liên quan nhưng không giống ngoài đời.



De Chirico, “Tháp Đỏ”

Tuy nhiên, không phải hễ cứ bộc lộ tiềm thức là thành nghệ thuật. Dali nói điểm khác nhau giữa nghệ sĩ và bệnh nhân tâm thần là ở chỗ nghệ sĩ không phải người điên; khác nhau là ở idiosyncrasy – tức độ độc đáo. Đa số những thứ tự mọc từ tiềm thức là rác, không phải hoa. Và một trong những đặc điểm “nhận dạng” của Surrealism là nó thường gắn những thứ thường ra không bao giờ đi với nhau vào với nhau, nhưng vẫn tạo nên một tổng thể rất thuyết phục.

Có điều, Surrealism kiểu này bị chính Freud là một trong những người phản bác. Ông nói rằng những sản phẩm mà nghệ sĩ bảo là lôi được từ trong tiềm thức ra đó, theo con mắt chuyên môn của ông, vẫn chỉ là sản phẩm của lý trí. Tiềm thức, theo ông, chỉ có thể được gợi ra bằng một số phương pháp phân tâm học nhất định. Nếu như vậy thì cả những sản phẩm trên vẫn chỉ là cảm thụ cá nhân của nghệ sĩ như những thứ khác, tức là vẫn là thuộc Expressionism (trường phái Biểu hiện) theo nghĩa là một dạng Realism (trường phái Hiện thực), chưa phải là Surrealism (trường phái Trên cả Hiện thực, tại có lôi được từ tiềm thức ra đâu!).



“Revenge of the Goldfish”, 1987, ảnh của Skoglund.

Giờ tôi thử đưa ra các phỏng đoán về một số nội dung trong các bức ảnh của Skoglund (Xin nói lại những phỏng đoán này rất có thể không đúng, và cũng không liên quan gì đến cảm nhận trực quan của mỗi người).

1. Tại sao gọi những bức ảnh này là Surrealism?
Skoglund là nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật, vậy chắc là không thể vẫn tiếp tục đưa ra kiến giải tương tự như các nghệ sĩ Surrealist từ những năm 20, 30. Chữ surreal ở đây hẳn phải chỉ ra một thực tại khác, không phải thứ unconsciousness (từ tiềm thức) của ngày xưa nữa. Theo tôi, các bức ảnh này nói về một thực tại của nhân vật trong ảnh. Có nghĩa là không phải cảm nhận của chính nghệ sĩ, mà là cảm nhận thế giới theo chủ quan của những nhân vật trong ảnh.

2. Tại sao cảnh nền lại thường một tông màu?
Phần nền một màu nhằm ám chỉ tính chủ quan trong cảm nhận thông thường của nhân vật đó. Tức là nó nhìn thế giới theo một lăng kính chủ quan nhất định, vì thế mọi vật sẽ có một màu. Và thường là màu này xam xám, nhàn nhạt, có vẻ không thỏa mãn, không hứng thú.



Gathering Paradise, 1991

3. Tại sao lại có những thứ như mèo xanh lá, chó xanh lơ, cá vàng bay v.v… với màu tương phản cao với nền?
Sau đó các nhân vật trên (chứ không phải nghệ sĩ nhé) lại tự hình dung ra các hình ảnh mà họ cho là lấy từ tiềm thức, từ trong mơ. Đó là những loại mèo xanh, người kính, cá vàng bay v.v… Những hình ảnh này tương tự tranh của Surrealism thời trước. Nó đặc sắc, kỳ quặc, tương phản với hiện thực nền.

4. Tại sao lại có rất nhiều vật cùng loại như mèo xanh lá, chó xanh lơ?
Tuy nhiên, chính những hình ảnh này cũng là sáng tạo có hệ thống, có lý trí, vì thế các bạn để ý, nếu lôi từ tiềm thức ra một trăm con thì vẫn là cá vàng, vẫn loanh quanh mèo xanh, chỉ ở các tư thế khác nhau thôi.



Radioactive Cats, 1980

5. Tại sao gần như tranh nào cũng có mặt người và chân tay để ảnh chụp real trong toàn cảnh nhân tạo? và những nhân vật này có vẻ là trọng tâm bức tranh?
Cuối cùng thì chủ thể của tất cả thế giới real và surreal mèo xanh đó là những nhân vật để ảnh thực kia. Dùng phần đầu (tinh thần) và tay chân (hoạt động), họ đã tạo ra thế giới đó. Các nhân vật đã tự lập, tự tạo ra thế giới riêng của mình. Chúng còn hiện thực hơn chính người nghệ sĩ là người tạo ra chúng. Vì thế gọi chúng là surreal, và chúng mới là trọng tâm của bức ảnh.

Như vậy, mọi hiện thực trên đời không phụ thuộc vào việc cá nhân ta là ai (expressionism – Biểu hiện) mà phụ thuộc vào việc ta tự cho là mình là ai (Surreal – vượt lên trên hiện thực). Nếu ta tự cho mình là bướm và nhìn đời dưới con mắt của bướm, thì thực tế đời sẽ hiện ra dưới mắt của bướm, còn chẳng quan trọng bản thân ta là ai.