Sở hữu hơn 3.000 hiện vật văn hóa của hầu hết các dân tộc cư trú tại Tây Nguyên, chị Ngô Thị Kim Cúc (56 tuổi, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) được biết đến như một nhà sưu tầm đồ cổ “khét tiếng” ở Đắk Lắk với biệt danh M’tao H’gơ (vua trống).

Chị Cúc bên bộ sưu tập hiện vật văn hóa của mình

Năm 1980 tốt nghiệp chuyên ngành Bảo tàng Trường Lý luận và Nghiệp vụ 2 tại TP Hồ Chí Minh (nay trực thuộc ĐH Văn hóa Hà Nội), chị Cúc về công tác tại Bảo tàng Đắk Lắk. Sau một thời gian chị Cúc chuyển qua làm Giám đốc Bảo tàng Đắk Nông, đến 2010 chị về hưu. Con đường đến với sưu tầm hiện vật văn hóa dân tộc với chị Cúc chỉ là tình cờ. Từ những chuyến đi công tác tại các buôn làng hay vùng sâu vùng xa, chị Cúc được đồng bào địa phương quý mến, gửi tặng kỷ vật làm kỷ niệm như vòng trang sức, nhẫn tay, đồ trang trí… Lâu dần những kỷ vật đó nhiều lên rồi trở thành bộ sưu tập cá nhân. “Người đồng bào họ quý mình nên tặng làm quà, tôi trân trọng cất lại như những kỷ vật chứ ban đầu không hề xuất phát từ việc sưu tầm hiện vật”, chị Cúc cho hay.

Bước ngoặt đến với chị Cúc khi năm 1993, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa công tác văn hóa, thôi thúc chị sưu tầm hiện vật một cách quy mô, bài bản. Tất cả tiền dành dụm được chị Cúc đều dồn cho công tác sưu tầm hiện vật.


Sau hơn 30 năm miệt mài sưu tầm, đến nay chị Cúc đã chính thức sở hữu trên 3.000 hiện vật văn hóa dân tộc của hầu hết dân tộc cư trú trên đất Tây Nguyên. Trong đó, hiện vật của người Ê-đê, M’Nông chiếm số lượng nhiều nhất, khoảng 70 - 80%; tiếp đến là hiện vật của người Jarai, Bana, Xê-đăng... Để sở hữu những hiện vật trên, hầu như không một ngõ ngách, buôn làng nào ở Tây Nguyên không có dấu chân của chị Cúc.


Chị chia sẻ, nếu không thể lập bảo tàng để giới thiệu bộ sưu tập của cả đời mình, chị sẽ buồn tê tái

Thật khó tin, trong số hiện vật mà chị Cúc sở hữu có hiện vật lên đến cả trăm năm tuổi như các loại ché; các loại trống của người đồng bào Ê-đê, M’Nông, J’rai, đều trên 150 tuổi. Trong đó, bộ săn bắt Voi là hiện vật đắt giá nhất với giá trị trên 80 triệu đồng; rẻ nhất là bộ lễ cúng thổi tai em bé người Ê-đê trên dưới 1 triệu đồng. Vì số hiện vật quá nhiều, chị Cúc phải chia thành từng nhóm đặc trưng: bộ sưu tập trống, bộ sưu tập săn bắt trên bờ; bộ sưu tập săn bắt dưới nước; bộ ché; bộ sưu tập trang phục hàng ngày, bộ sưu tập trang phục lễ hội; dụng cụ sinh hoạt gia đình; nhạc cụ… Trong đó, bộ sưu tập trống trên 130 chiếc, bộ ché khoảng 100 cái.


Khi được hỏi về mục đích, ý nghĩa việc sưu tầm hiện vật văn hóa dân tộc chị Cúc cho hay: “Hiện nay nhiều hiện vật của người đồng bào dân tộc thiểu số mai một nghiêm trọng, vài chục năm nữa sẽ không tìm thấy một hiện vật nào trong khi giá trị lịch sử, giá trị văn hóa từ những hiện vật này rất cao. Thông qua các hiện vật này cho ta biết đời sống vật chất, tinh thần, nét sinh hoạt văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số mà không hề tìm thấy bất kỳ một tài liệu nào. Đó cũng là một cách để bảo tồn văn hóa dân tộc”.


Sở hữu một số lượng lớn hiện vật văn hóa dân tộc độc đáo nhưng vì không có quỹ đất xây dựng Bảo tàng tư nhân chị Cúc tạm thời trưng bày tại quán cà phê Tây Nguyên Điểm Hẹn (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột), một số hiện vật chị gửi tạm nhờ người thân giữ giùm và tất nhiên gặp không ít khó khăn trong công tác bảo quản. “Ngoài những hiện vật đã gửi ở nhà người quen, hiện vật ở đây mỗi lần trời mưa 2 vợ chồng phải thay nhau căng bạt che chắn, ẩm thấp thì xông khói chống muối mọt, đồng thời hun than khoảng 30 – 35oC cho nhanh khô không thì dễ hư hỏng”, chị Cúc cho biết.


Theo chị Cúc, để trưng bày 3.000 hiện vật này cần một quỹ đất khoảng 5.000m2 nhưng vì quỹ đất nhà chị đang nằm trong vùng giải tỏa nên chưa thể xúc tiến xây dựng bảo tàng. Đây là rào cản lớn nhất đối với chị Cúc trong việc tiến tới thành lập Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở Tây Nguyên. “Nếu được vợ chồng tôi dự kiến sẽ thiết kế theo phong cách Tây Nguyên. 3.000 hiện vật sẽ được trưng bày trong những ngôi nhà sàn, nhà rong của người Bana, Xê-đăng; ngôi nhà vòm của người đồng bào M’Nông; nhà dài của người Ê-đê”, chị Cúc chia sẻ.


Chị Cúc cho biết thêm, hơn 3.000 hiện vật này là tâm huyết, tiền của suốt một đời của vợ chồng chị, nếu không thành lập được bảo tàng thì buồn tê tái, trong khi nhiều hiện vật của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, xói mòn nghiêm trọng.