Suốt 18 năm qua, linh mục Nguyễn Hữu Triết, chánh xứ Tân Châu Sa (Q .Tân Bình, TP. HCM) cần mẫn góp nhặt những chiếc đèn dầu cổ nhất có ở Việt Nam và 17 nước trên thế giới. Hơn 1.400 mẫu đèn các loại đã hội tụ ở căn phòng của vị giáo mục nằm ép mình phía sau giáo đường.
<>"Lưu giữ ánh sáng thời gian" qua cổ vật

Ông tự nhận mình là "dân đồng nát" khi đi góp nhặt những cái đèn dầu từ cổ chí kim, có những cái có từ 2.500 năm về trước. Bản thân người viết, khi tiếp xúc với bộ sưu tập đèn dầu cổ độc đáo này cũng không thể nhận ra được những cái lu, cái vại, những con chim, con cá lại là hiện thân của một cái đèn dầu mà con người dùng trong sinh hoạt đời sống. Linh mục Nguyễn Hữu Triết cẩn thận lấy ra cho tôi xem những chiếc đèn dầu cũ mục, hoen ố theo thời gian. Có những cái đã sứt mẻ thành nhiều mảnh, bóng đèn vỡ nứt được chủ nhân dán lại cẩn thận.



Linh mục Nguyễn Hữu Triết với một trong hàng nghìn chiếc đèn dầu cổ.

Ông cho biết: "Càng cũ lại càng quý hiếm, càng vỡ lại càng đáng để trân trọng". Kể về những chiếc đèn, Linh mục Triết còn thấy nuối tiếc vì mình sưu tập đèn muộn quá. Nếu làm cái việc này sớm thì giờ có thêm nhiều chiếc đèn cổ và quý lắm.

Năm 1994, khi vị linh mục giáo xứ già qua đời, ông dọn dẹp phòng của người quá cố thì vô tình nhìn thấy có 6 -7 chiếc đèn dầu cũ kĩ, bụi bám đầy trên nóc tủ. Thay vì cho chúng vào thùng rác thì ông lại nảy ra suy nghĩ: Tại sao mình không tìm thêm một vài cái nữa trưng bày cho vui nhỉ? Vậy là từ đó, ông tìm tòi nghiên cứu về đèn dầu cổ. Sự thực, máu mê với đồ cổ là truyền thống gia đình ông Triết. ông sinh ra ở Hải Dương trong một gia đình có chút ít đồ cổ. Bố ông là một thầy đồ, vừa dạy học vừa bốc thuốc. Nhà không khá giả lắm, tuy nhiên, có hai vật dụng quý là bộ ấm chén men lam và chiếc điếu cày có từ thời Đạo Quang (Trung Quốc). Những vật dụng ấy được cả gia đình ông nâng niu và chỉ khi nào có khách quý mới lấy ra dùng rồi lại cất kĩ vào trong tủ.

Thú đam mê đồ cổ bị lãng quên lâu ngày chợt nhen nhóm, hễ đi đến đâu phát hiện có đèn là ông lại lân la hỏi mua. Có những cái rất đẹp, rất cổ nhưng giá cao quá, không đủ tiền, ông ngậm ngùi nuối tiếc. ông kể, hồi ra Hà Nội chơi, người bạn là họa sĩ dẫn ông đi chơi ở Nghi Tàm, qua triền đê, thấy người ta bán nhiều đồ cổ quá, trong đó có 3 chiếc đèn dầu. ông say sưa ngắm nhìn nhưng khi hỏi giá thì trong túi lại không đủ tiền mua. Ông đánh liều hỏi vay người bạn cùng đi. Thế là ông có trọn bộ 3 chiếc đèn cũ tuyệt vời.

Nhiều người biết đến danh tiếng của ông đã tự tìm đến tặng đèn mà họ tìm được ở đâu đó. Nhiều khi, ông phải nơm nớp lo sợ người ta mua mất chiếc đèn mà ông đã ngắm trước đó chưa mua được vì giá quá cao. Rồi ông lục tung các khu chợ đồ cổ đến... những hàng ve chai, đồng nát, may mắn thì ở đó có chiếc đèn cũ kĩ, sứt mẻ để ông rinh về. Suốt 18 năm đam mê và tìm tòi, hơn một nghìn cổ vật và di vật từ đèn dầu của linh mục Nguyễn Hữu Triết được xem như kho tàng quý lưu trữ nét văn hóa truyền thống vùng miền của Việt Nam.

<>Nền văn hóa tái hiện qua những chiếc đèn dầu

Chiếc đèn cổ xưa nhất ông Triết có được là đèn Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi có niên đại 2500 năm về trước. Rồi đến những chiếc đèn đồng từ thời Đông Sơn, đèn gốm Bát Tràng... ông cho biết, mỗi chiếc đèn dầu không chỉ đơn thuần là vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình mà nó còn thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ hình dạng, nét chạm trổ đến màu sắc đều là sự tinh túy trong mỗi nền văn hóa bản địa.



Bộ sưu tập đèn dầu với đủ các kiểu dáng.

Rồi ông chỉ cho tôi xem những chiếc đèn thể hiện đặc trưng cơ bản của ba miền Bắc, Trung, Nam. Là chiếc đèn cổ làm bằng gốm Bát Tràng có niên đại mấy trăm năm được đặt trang trọng trong lồng kính. Những vết bụi không làm mờ đi nét hoa văn chạm trổ một cách tỉ mẩn và tài hoa của người nghệ nhân xa xưa. Đó là chiếc đèn lò Quảng Đức ở Phú Yên được trưng bày cạnh tượng một chú trâu biểu trưng cho nền nông nghiệp truyền thống của Việt Nam từ xưa đến nay. Bộ đèn Lái Thiêu hình chum nước với đủ các kích cỡ, màu sắc được làm bằng gốm đơn giản mà thân thương. Tất cả đều mang trong mình những giá trị văn hoá cổ quý giá.

Để hiểu rõ về chất liệu, nguồn gốc, xuất xứ cũng như những giá trị nghệ thuật tiềm tàng trong mỗi cây đèn dầu, linh mục Nguyễn Hữu Triết phải khổ công tìm hiểu, tham khảo sách tư liệu lịch sử mới có thể hiểu và biết rõ lai lịch. Xưa nay, người ta chỉ có một cách gọi chung là đèn dầu, nếu cầu kì hơn thì gọi theo tên vùng miền như đèn Sa Huỳnh, đèn bát Tràng, Lái Thiêu...

Đam mê đèn, vị linh mục còn nghiên cứu để tự đặt tên, tìm nguồn gốc, xuất xứ của từng cây và định vị chúng trong những khoảng thời gian ra đời. Tôi ngạc nhiên hỏi ông, sao một vị linh mục hoàn toàn không chuyên về lĩnh vực khảo cổ mà lại biết rõ tường tận đến cổ vật như vậy? ông bảo: "Tất cả đều phải học từ sách vở, bạn bè. Mỗi cây đèn, trước khi mua về, tôi phải xem chất men, công nghệ làm để định vị. Cũng nhiều lần mua phải đồ cổ giả nhưng phải chấp nhận thôi vì đây là cuộc chơi mà, huống hồ mình lại là người chơi không chuyên".



Một chiếc đèn dầu cung đình có cách đây vài trăm năm.

Chúng ta đang sống trong thế XXI, một thời đại công nghệ số hiện đại. Có mấy nơi trên đất nước còn đèn dầu nữa? Thế nên, linh mục Nguyễn Hữu Triết đang tự hào vì mình là người Việt Nam đang nắm giữ ánh sáng của thời gian qua các thời kì lịch sử. Ông nói: "Thế hệ trẻ sinh ra ngày nay vừa mở mắt ra đã nhìn thấy bóng đèn điện, có những em bé không biết được chiếc đèn dầu hình thù ra sao. Và vô tình, chúng không cảm nhận được cuộc sống của con người một thời qua ánh đèn dầu. Tôi lưu giữ để cho mọi người, ai cũng có thể tìm về quá khứ của chính tổ tiên mình".

Ngoài đèn dầu Việt Nam, trong bộ sưu tập của linh mục Triết còn có đèn của 17 nước trên thế giới qua các thời kì. Những chiếc đèn ngoại quốc ấy, ông may mắn tìm được trong đống đồ cổ ngổn ngang ở Việt Nam mà không cần phải đi đâu xa. Ông ấn tượng nhất là chiếc đèn đồng có tên Aladin xuất xứ tại Israel - một cây đèn đã đi vào chuyện cổ tích Nghìn lẻ một đêm. Ông nói vui: "Tôi ở cùng đồ cổ luôn. Những món đồ này nhiều người khen, hỏi mua nhưng tôi không bán".

Bộ sưu tập đèn dầu cổ có những cái lớn nhất cao 1,2m, bình dầu chứa được 7, 5 lít đến những cái chỉ nhỏ bằng ngón tay con người. Tất cả dù cọ, dù mới đều còn khả năng thắp sáng bằng dầu hỏa. Ngoài ra, linh mục Nguyễn Hữu Triết có trên 100 cuốn sách cổ in từ thế kỉ XIX. Một kho tư liệu về 27 bản truyện Kiều Hán - Nôm thì ông đã tặng cho giáo phận Huế. Những thứ đổ cổ ấy quý và hiếm đến mức các thư viện cũng phải quan tâm