Tại Huế, 9 khẩu súng thần công lớn nhất (Cửu vị thần công) được trưng bày phía ngoài Đại Nội lâu nay nhưng không có đạn. Một tin vui khi mới đây, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh đã phát hiện 12 quả đạn có cùng kích cỡ dùng cho 9 súng này.
Ngày 9/3, trao đổi với Dân trí, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh TT-Huế vui mừng cho biết bảo tàng đã phát hiện được 12 quả đạn bằng gang, sắt có đường kính từ 21-22cm với trọng lượng từ 38-40kg (đều cùng 1 loại nhưng chênh lệch do rỉ sét).

Điều độc đáo là 12 viên đạn này sau khi đo đạc thì phù hợp với kích cỡ của Cửu vị thần công - 9 khẩu súng lớn nhất thời vua Nguyễn trưng bày ở gần 2 cửa Thể Nhơn và Chương Đức bên ngoài Đại Nội Huế. Lâu nay, du khách khi đi qua đây chỉ thấy súng chứ chưa thấy đạn. Hiện không có loại súng nào ngoài Cửu vị thần công có thể dùng loại đạn lớn này.


1 trong số 12 viên đạn giống đạn dùng cho Cửu vị thần công nhà Nguyễn
Theo ông Hùng: “Tuy rằng theo sử sách để lại thì Cửu vị thần công là những khẩu súng đúc để trưng bày chứ không dùng trong những trận đánh để bắn nhưng trên Cửu đỉnh (9 đỉnh đồng có khắc hình và chữ tại Đại Nội Huế được ví như 1 bộ bách khoa toàn thư bằng ảnh độc đáo) có ghi rõ cách thức bắn. Theo logic, người xưa đã sản xuất súng đương nhiên phải có đạn.

Vì vậy việc phát hiện ra các quả đạn thần công này mặc dù chưa khẳng định 100% là đạn dùng cho Cửu vị thần công. Nhưng với kích thước đạn và nòng súng hiện tại, có thể thấy rằng những quả đạn này góp phần minh chứng làm sáng tỏ những vấn đề tồn nghi lâu nay xung quanh Cửu vị thần công (vì chúng ta mới trưng bày súng chứ chưa có đạn).


12 viên đạn tìm thấy với đường kính 21-22cm vừa khớp với nòng súng Cửu vị thần công
Cũng theo suy nghĩ ban đầu của ông Hùng, với kích cỡ đạn và nòng súng tương ứng nhau thì đây là đạn của Cửu vị thần công lần đầu tiên được tìm thấy tại Huế. Điều đáng chú ý, qua nghiên cứu thẩm tra bước đầu thì những quả đạn này được tìm thấy ở trục đường 23 tháng 8 - con đường chạy trước cửa Ngọ Môn, nơi có trưng bày Cửu vị thần công từ xưa đến nay.

Trong đợt này, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng tỉnh TT-Huế cũng đã phát hiện thêm 18 quả đạn thần công kích cỡ nhỏ bằng gang và sắt chia thành 3 nhóm theo đường kính: Loại 1 có đường kính 8,6cm (1 quả); loại 2 có đường kính nòng 11,7cm (4 quả); loại 3 có đường kính 16cm, trọng lượng từ 9-15kg (13 quả). Cùng với đó là 1 súng thần công rất lạ làm bằng chất liệu gang, dài 63cm, nặng 38kg, đường kính nòng 9,8cm.


Khẩu thần công lạ được tìm thấy cùng đợt trên
Sau khi hội đồng giám định đưa quả đạn loại 1 (loại 8,6cm đường kính) vào thì khớp với nòng súng thần công có đường kính nòng 9,8cm này. Điều này chứng tỏ có sự liên hệ giữa súng và đạn. Quý giá hơn nữa, đây cũng là khẩu súng thần công được tìm thấy đầu tiên ở Bảo tàng Lịch sử và cách mạng tỉnh TT-Huế.

Đây là loại súng mang tính cơ động cao, theo các nhà chuyên môn, có thể là loại súng được trang bị trên các chiến thuyền, phù hợp với việc di chuyển cơ động của thủy binh và bộ binh nhà Nguyễn. Về niên đại, qua đánh giá bước đầu toàn bộ thì 30 quả đạn thần công và 1 khẩu súng thần công thuộc thời vua Nguyễn (từ 1802-1945).


Có tất cả 4 nhóm đạn thần công với 30 viên được đào lên xung quanh kinh thành Huế
Trước đó, vào năm 2011, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng cũng đã tiếp nhận 52 quả đạn thần công thời vua Nguyễn từ Công an phường Phường Đúc (TP Huế) thu được từ những người rà phế liệu tại bờ kè đang thi công bên sông Hương, đoạn gần ga Huế. Sau đó, Bảo tàng đã chia cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế một nửa để cùng trưng bày. Việc phát hiện thêm 30 quả đạn và 1 khẩu súng, đặc biệt có 12 viên đạn tương ứng kích cỡ nòng của Cửu vị thần công, là rất đáng quý cần được chính quyền quan tâm.


9 khẩu thần công lớn nhất tại Huế chưa có đạn.
Được biết, một số công nhân đang làm công trình ở Ngự Hà và đường 23 tháng 8 vào cuối tháng 2/2012 phát hiện 30 quả đạn và 1 súng thần công trên, đã báo cho Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh. Bảo tàng đã thành lập 2 hội đồng chuyên môn và tài chính nhằm thẩm tra giá trị và mức giá của đạn để hỗ trợ kịp thời cho người phát hiện.



Cửu vị thần công còn có tên “Thần Oai vô địch thượng tướng quân cửu vị” (Được vua Nguyễn phong là tướng quân). Đây là 9 khẩu thần công lớn nhất trong triều Nguyễn, được dúc từ 1/1803 đến 1/1804 làm bằng đồng. Mỗi khẩu dài 5.1m, nặng trên 10 tấn, được đặt trên giá súng bằng gỗ lim. Điều đặc biệt là mỗi khẩu súng đều có tên riêng của tứ thời và ngũ hành là Xuân, Hạ, Thu, Đông và Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Mục đích Cửu vị thần công không dùng trong trận mạc và chỉ tượng trưng như các vị thần bảo vệ vương triều. Ban đầu, cả 9 khẩu được đặt thành 1 dãy trước cửa Ngọ Môn. Từ thời vua Khải Định được chuyển về sau cửa Thể Nhơn (4 khẩu tên tứ thời) và sau cửa Quảng Đức (5 khẩu tên ngũ hành). Vị trí đó được đặt cho đến bây giờ.