Nhiều bạn trẻ cho rằng, họ không còn cảm thấy hạnh phúc khi chinh phục “nóc nhà Đông Dương” cao hơn 3.000 m từ ngày có cáp treo.

Một fanpage lớn dành cho giới trẻ mới đây đăng tải hình ảnh dòng người đông đúc ùn ùn đổ về đỉnh Fansipan ngày đầu năm. Khoảnh khắc này nhanh chóng thú hút sự quan tâm trong cộng đồng mạng, gần 4.000 like (thích), cùng hàng trăm bình luận, chia sẻ.





Dân mạng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều trước hình ảnh được ghi lại tại đỉnh Fansipan sáng ngày 28/2. Ảnh chụp màn hình
.​
Nhiều người cho rằng, khi có cáp treo, vẻ đẹp tự nhiên của "nóc nhà Đông Dương" rất có thể sẽ bị hủy hoại.

Thành viên Phong Nguyen bình luận: “Từ lúc lắp cáp, em từ bỏ luôn ý định đi Fansipan. Hạnh phúc leo Fan là cảm giác lên được tới đỉnh và nhìn xuống sau một hành trình dài thử thách. Mọi người lên đó chỉ để ngắm cảnh thì hoàn toàn vô vị”.

“Đỉnh Fansipan ngày nay không khác gì cái chợ, già, trẻ, gái trai đủ cả. Một số người không có ý thức còn vứt rác bừa bãi trên đó. Mình nhớ hình ảnh 'nóc nhà Đông Dương' ngày xưa quá!” là bình luận của Hoài Việt.

Tuy nhiên, một số dân mạng lại tỏ ra không đồng tình với các ý kiến trên. Họ ủng hộ việc có cáp treo để khai thác điểm du lịch hấp dẫn này.

Phạm Bảo Lam chia sẻ: “Mọi người cứ chê, nhưng mình lại thấy khác. Bạn nào có sức khoẻ cứ leo. Nếu không có cáp, cả đời mình và rất nhiều người khác không biết đến 'nóc nhà Đông Dương' là gì. Mình chỉ nghĩ đơn giản, đi du lịch là để tìm niềm vui, sao phải lăn tăn? Mùa lễ hội thì ở đâu chẳng đông”.

Đồng quan điểm, nickname Phập Phầm Phương cho biết: “Có cáp treo là tốt, mình không có ý định leo Fan nhưng giờ mình sẽ đi. Đỉnh Fan không của riêng ai, mọi người đều có quyền được ngắm”.





Rất nhiều người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em hiện có thể dễ dàng đặt chân lên "nóc nhà Đông Dương". Ảnh: Đình Thìn.​


Trao đổi với Zing.vn, anh Phạm An (37 tuổi, Hà Nội) - chủ nhân bức ảnh gây tranh cãi - cho biết: “Mình đã leo Fansipan năm 2014, nhưng muốn thử ngồi cáp treo nên đi lại cùng cơ quan. Cảnh tượng trên đỉnh quá đông và khác xưa nên mình chụp lại, chia sẻ với mọi người”.

Theo anh An, vé khứ hồi đi cáp treo lên đỉnh Fansipan là 600.000/người. Nếu như trước đây, leo mất nhiều thời gian thì giờ đi cáp treo chỉ khoảng 20 phút là đã tới “nóc nhà Đông Dương”. Tuy nhiên, một số người còn không biết chóp tam giác ở chỗ nào.

Theo quan điểm cá nhân anh Phạm An, việc làm cáp treo lên Fansipan có nhiều lý do, cả về thương mại và du lịch. Tuy nhiên, cảm giác được chinh phục bản thân gần như không còn nữa.

Anh Đình Thìn (28 tuổi, Hà Nội) cũng là một trong những người có mặt tại đỉnh Fansipan sáng 28/2 chia sẻ: “Lên đó, mình thấy đông quá. Ai cũng đang chụp ảnh. Một số bạn còn vứt rác bừa bãi, làm hỏng cảnh quan chung”.

Hoài Việt - một người chuyên chinh phục các đỉnh núi cao - cũng bày tỏ: “Mình không nghĩ việc có cáp treo là sai trái, bởi có nhiều người không đủ sức khỏe để chinh phục Fansipan. Tuy nhiên, nơi đây sẽ mất dần vẻ đẹp vốn có, khiến nhiều người không còn cảm giác chinh phục khi leo núi”.





Một số người vứt rác bừa bãi trên đỉnh Fansipan. Ảnh: Otofun
.​

Hàn Triệt
Zing News