Trong số 8 động tác mới vừa được Liên đoàn thể dục dụng cụ thế giới (FIG) đưa vào hệ thống thi đấu, có 1 động tác do chính VĐV Việt Nam sáng tạo và biểu diễn thành công.

Tại giải Vô địch thể dục dụng cụ thế giới diễn ra tại Glasgow (Scotland) hồi tháng 11/2015, Phạm Phước Hưng ghi dấu ấn đậm nét ở nội dung vòng treo. Chàng trai người Hà Nội khiến khán giả có mặt tại nhà thi đấu SSE Hydro phải ngạc nhiên khi thực hiện thành công động tác thiên về sức mạnh ở khâu xuất phát để ke người trên vòng.

Do chưa từng có vận động viên (VĐV) nào thực hiện trước đó nên động tác của Phước Hưng mới đây đã được FIG đưa vào sách kỹ thuật, hệ thống thi đấu với độ khó D và tên gọi “PHAM” – lấy theo họ của VĐV 27 tuổi.

Để được ghi danh vào lịch sử môn thể thao mình yêu thích, bên cạnh sự đam mê, chăm chỉ tập luyện, Phước Hưng còn phải cần tới sự táo bạo, quyết đoán. Chỉ đúng 1 tuần trước khi giải đấu khởi tranh, chàng trai vàng của TDDC Việt Nam mới có ý định tập luyện động tác trên. Vượt qua không ít sức ép và thử thách từ yêu cầu khắt khe của FIG, Phước Hưng đã thành công và đó có thể coi là một dấu mốc lớn trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của anh.





Động tác của Phước Hưng được đặt tên và đưa vào hệ thống thi đấu của FIG. Ảnh: FIG.​


Chia sẻ về mục tiêu trong những ngày đầu năm mới, Phước Hưng cho biết sẽ dồn toàn lực chinh phục tấm vé dự Olympic Rio 2016 và nếu có mặt tại Brazil, anh sẽ nỗ lực đạt thành tích tốt nhất. Khoảng hơn một tháng nữa, Phước Hưng sẽ cùng Hà Thanh (hai VĐV còn hy vọng giành vé) lên đường sang Brazil dự vòng loại Olympic, giải đấu quyết định liệu TDDC Việt Nam có mặt tại thế vận hội mùa hè 2016 hay không.

Trước Phước Hưng, TDDC Việt Nam cũng từng có một VĐV được FIG đặt tên cho động tác. Người nhận vinh dự là Nguyễn Tuấn Đạt, với động tác santo 4 vòng (xoay 4 vòng) trên không tại giải VĐTG 2013. Tuy nhiên ở giải đấu ấy, VĐV người Nhật Bản, Kenzo Shirai cũng thực hiện thành công nên FIG quyết định lấy tên của cả hai – “Shirai Nguyen” – để đặt tên cho động tác này.

Kenzo Shirai hiện cũng nắm giữ tới 4 động tác được đặt tên trong hệ thống luật thi đấu của FIG. Tại Glasgow, nhà vô địch thế giới người Nhật từng có một động tác mới được công nhận ở độ khó H (cao nhất) và đây cũng là động tác ở độ khó H thứ hai của chàng trai 19 tuổi.





Thành Quảng
Zing News