Mặc dù lễ hội chợ Viềng chưa khai mạc nhưng tính đến tối mùng 7 tháng Giêng đã có hàng chục nghìn người đổ về tìm mua sản vật may mắn nhân dịp năm mới. Nhiều tuyến đường tắc nghẽn.





Các tuyến đường hướng về chợ Viềng (Nam Định) ùn tắc ngay từ chiều 14/2. Hình ảnh tại ngã ba thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản. Chiều nay, trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo phòng CSGT (Công an tỉnh Nam Định) cho biết, đơn vị đã huy động 100% lực lượng phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh lễ hội lớn nhất năm của tỉnh.​





Theo quan niệm, phải đến 0h ngày mùng 8 tháng Giêng mới đến giờ giao dịch thiêng nhưng nhiều người đã có mặt tại phiên chợ nổi tiếng của Nam Định này từ chiều tối 14/2 (mùng 7 tháng Giêng).​





20h tối, dòng người chen lấn vào chợ làm lễ cầu may, tài lộc.​





Điểm nổi bật của lễ hội chợ Viềng là mua bán các loại cây cỏ, nông cụ.​





Tại đây, khách có thể mua bất cứ thứ gì miễn là cảm thấy sẽ may mắn trong năm.​





Đồ cổ không rõ nguồn gốc xuất hiện rải rác tại đây, giá cả không cố định.​





Anh Hoàng Văn Thái (xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) làm nghề này tại chợ Viềng đã 10 năm nay. Anh cho biết, đã bán được khá nhiều hàng ngay từ sáng 14/2 dù chưa phải chính hội.​





Những chiếc bay dùng trong xây dựng được bán với giá 25.000 đồng.​





Tại khu vực bán cây cỏ, một cửa hàng trưng biển quảng cáo nguồn gốc các loại cây từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam.​





Các lối đi lại đông nghịt người dù chưa đến giờ thiêng. Hoa được bán chủ yếu là trạng nguyên, đồng tiền...​





Những giỏ phong lan giá từ 100.000 - 200.000 đồng.​





Anh Nguyễn Tuấn mua được cây hoa đồng tiền với giá 25.000 đồng với mong ước năm nay sẽ có nhiều tài lộc.​





Dọc lối vào Phủ Dầy và chợ Viềng, nhiều đền thờ, miếu mạo được tận dụng để trông giữ xe. Giá gửi ôtô từ 200.000 - 300.000 đồng, xe máy 20.000- 30.000 đồng/chiếc.​





Đặc sản chợ Viềng là thịt bê, bán rất đắt hàng, giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg.​




Chợ Viềng họp chính thức vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Chợ đông đúc từ tối mùng 7 Tết đến hết ngày hôm sau. Đặc điểm của phiên chợ này là không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các nơi khác. Sản phẩm ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi như cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả hay các vật dụng sản xuất của nhà nông. Du khách có thể tìm mua ở chợ Viềng từ cái cày cái cuốc đến đôi quang gánh, thúng hay những thực phẩm cần thiết như gạo, thịt, quần áo, giày dép…
Hội chợ Viềng nằm trong thôn Trung Thành, bao quanh là cả một quần thể di tích, như đình chùa, đền phủ, lăng tẩm như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng... được xây dựng từ thứ kỷ 19. Các công trình này được xếp hạng là "di tích lịch sử văn hoá". Cụm di tích chủ yếu thờ bà chúa Liễu Hạnh - một nhân vật văn hoá dân gian vừa giống như có thật, vừa như truyền thuyết. Du khách có thể đến dự hội và đi lễ đền cầu may.
Lê Hiếu
Zing News