"Việt Nam có tranh chấp chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới. Chúng ta giải quyết hòa bình, nhưng không ai cho phép nhân nhượng về chủ quyền", Thượng tướng Võ Tiến Trung nói.

- Chủ trương bảo vệ đất nước từ xa, khi đất nước chưa lâm nguy cần được cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?






PGS. TS. Thượng tướng Võ Tiến Trung - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng. Ảnh: Minh Quang.​

- Chúng ta học tập ông cha ta, dựng nước phải đi đôi với giữ nước. Ngày nay chúng ta phải xây dựng tổ quốc đi đôi với bảo vệ tổ quốc. Do đó, phát triển kinh tế đi liền với đầu tư cho quốc phòng, an ninh. Ta phải xây dựng mạnh lên cả 4 tiềm lực: kinh tế, chính trị - xã hội, khoa học công nghệ và quốc phòng an ninh, tạo thành sức mạnh tổng hợp.

Để bảo vệ tổ quốc từ xa và bảo vệ tổ quốc từ khi tổ quốc chưa lâm nguy, chúng ta phải giữ vững quan điểm là trong ấm ngoài êm. Nghĩa là, chúng ta mạnh lên, xây dựng quân đội hùng mạnh cùng với thế trận lòng dân vững chắc, kinh tế phát triển mới tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ tổ quốc.

Bảo vệ tổ quốc từ xa còn có nghĩa là thực hiện đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa, xử lý các bất đồng bằng con đường hòa bình, hữu nghị.

Từ đó, chúng ta làm bạn bè hiểu rõ ta và biến tất cả các nước trên thế giới thành đối tác. Đồng thời, phải giúp đỡ bạn bè láng giềng chung biên giới như Lào, Campuchia. Bạn mạnh lên, vững về an ninh chính trị chính là giúp bảo vệ an ninh của Việt Nam.

Hơn nữa, phải xây dựng phòng thủ vững chắc, nhất là thế trận lòng dân. Ta giữ môi trường bên trong vững bền thì không thế lực bên ngoài nào dám dòm ngó, can thiệp.

Bên cạnh lòng yêu nước, thế trận lòng dân, phải chuẩn bị thế trận quốc phòng thông qua xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại làm nòng cốt cho thế trận toàn dân bảo vệ tổ quốc. Khi có biến, lực lượng dự bị động viên cùng quân đội và nhân dân cầm súng, biến cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc thành cuộc chiến tranh toàn dân đánh giặc để giữ nước.

- Hiện nay chủ quyền an ninh biển đảo, vùng trời có những thách thức. Điều này đặt ra đòi hỏi gì với quân đội, thưa ông?

- Ta có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, biên giới đất liền cũng giải quyết chưa thấu đáo. Nếu giải quyết không khéo, bên ngoài lợi dụng thì sẽ dễ uy hiếp an ninh.






"Việt Nam xây dựng và phát triển quân đội để tự vệ, không đe dọa ai", tướng Trung nói. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hà.
Việt Nam không có chủ trương giải quyết các thách thức an ninh trên biển bằng phương pháp quân sự, phải thấu suốt quan điểm của Đảng: mọi vấn đề tranh chấp phải giải quyết bằng phương pháp hòa bình, thông qua thương lượng. Nhưng nếu không có quân sự mạnh thì kẻ thù sẽ lấn tới.

Chúng ta phải trong tâm thế sẵn sàng, để nếu không giữ được toàn vẹn lãnh thổ bằng con đường hòa bình, không thương thảo được thì bảo vệ tổ quốc bằng sức mạnh quân sự. Chúng ta không sử dụng vũ lực với bất kỳ nước nào, trừ khi họ buộc ta phải cầm súng bằng việc tấn công xâm lược Việt Nam.

- Chủ trương giải quyết tranh chấp hòa bình, liệu sẽ có sự nhân nhượng nào không, thưa ông?

- Việt Nam đã hy sinh tổn thất quá nhiều trong chiến tranh, nên chúng ta không bao giờ mong muốn phải cầm súng. Nhưng về chủ quyền lãnh thổ, không ai có quyền nhân nhượng.

Bình tĩnh xử lý, giải quyết bằng con đường hữu nghị, hòa bình, thương thảo, thông qua ngoại giao, pháp lý nhưng chúng ta không bao giờ nhân nhượng về chủ quyền lãnh thổ. Không ai cho phép điều đó.

- Vừa qua, Trung Quốc huy động lực lượng dân sự để xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa. Chúng ta cần ứng xử thế nào?

- Chúng ta cũng sử dụng dân sự để đấu tranh. Đơn cử, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chúng ta sử dụng lực lượng chấp pháp như kiểm ngư, cảnh sát biển và nhân dân đánh cá, quay lại nói với Trung Quốc rằng đó là vùng biển, vùng chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã buộc phải rút giàn khoan.

Chúng ta vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, linh hoạt, đấu tranh quyệt liệt nhưng vẫn giữ được tình hữu nghị với Trung Quốc, không tạo đối đầu, chiến tranh.

- Việc tự chủ về công nghệ, vũ khí thì sao, thưa ông?

- Muốn bảo vệ tổ quốc, ngoài bỏ tiền của dân mua sắm, trang bị nước ngoài thì phải tự chủ, bằng trí tuệ và khả năng công nghệ của Việt Nam, nghiên cứu phát triển các vũ khí công nghệ cao. Ta đủ vũ khí bộ binh trang bị cho lực lượng lục quân rất hiện đại. Lực lượng thông tin cũng được trang bị hiện đại ngang với các nước tiên tiến nhất hiện nay. Hà cớ gì trí tuệ Việt Nam không nghiên cứu những vũ khí, khí tài hiện đại hơn để phòng thủ, bảo vệ đất nước.

- Chúng ta cố gắng hiện đại quân đội cũng không so được với nước lớn. Có người còn nói ta mua 1 tàu ngầm thì họ có thể mua 10 chiếc?

- Chúng ta có bỏ bao nhiêu tiền của thì cũng không thể so với nước lớn. Chúng ta là người tự vệ, nên chỉ mua sắm vừa sức, để tự vệ. Trang bị vũ khí là quan trọng nhưng chỉ là một phần. Chúng ta có chính nghĩa, sức mạnh của nhân dân.

Chúng ta không chạy đua vũ trang, so sánh hơn thua. Chúng ta cân đối giữa nền kinh tế thu chi, để đầu tư phục vụ tự vệ, trong điều kiện cho phép.

Hơn nữa, chúng ta cũng không xem họ là đối tượng mà chúng ta phải chiến đấu mà tìm mọi cách xây dựng quan hệ đối tác chiến lược.

- Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, sắp tới chúng ta có mở rộng việc mua vũ khí từ nước khác, ngoài Nga?

- Chúng ta có tính tới. Phương tiện vũ khí Nga hợp với Việt Nam, về giá cả, phương tiện, và công nghệ. Nhưng hết sức cân nhắc, không gì bằng tìm công nghệ, mua công nghệ và tự phát triển sản xuất của ta.


Phương Loan - Minh Quang (thực hiện)
Theo Zing News