Hướng tới thực hiện mục tiêu chiến lược là trở thành một trường đại học trọng điểm quốc gia về CNTT-TT, Ban lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông xác định nhiệm vụ có ý nghĩa “sống còn” thời gian tới là tập trung nâng chất lượng đào tạo, nghiên cứu theo chuẩn quốc tế và khu vực.
Khẳng định thương hiệu

Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (gọi tắt là Học viện) được thành lập từ năm 1997, hiện có 6 đơn vị trực thuộc gồm: Viện Khoa học Kỹ thuật Bưu điện, Viện CNTT-TT, Viện Kinh tế Bưu điện, Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 1, Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông 2 và Học viện cơ sở tại TP.HCM. Thực hiện Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), từ ngày 1/7/2014, Học viện được chuyển từ Tập đoàn VNPT về làm đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ TT&TT.

Nhìn lại chặng đường đã qua, PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó Giám đốc Học viện khẳng định, thương hiệu của Học viện ngày càng phát triển vững chắc, và dấu ấn lớn nhất là việc Học viện được Nhà nước công nhận danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 2013).


Chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn để tạo sự khác biệt và phát triển vững chắc cho Học viện.

PGS.TS Lê Hữu Lập phân tích: “Từ một cơ sở đào tạo, nghiên cứu với quy mô nhỏ, chỉ với trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng, sau hơn 10 năm, Học viện đã trở thành cơ sở đào tạo có quy mô lớn, nằm trong Top đầu các trường đào tạo CNTT-TT tại Việt Nam. Các ngành nghề đào tạo được mở thêm để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực ngày càng cao của xã hội cũng như sự phát triển của ngành TT&TT, trong đó không ít ngành nghề có nhu cầu nhân lực hiện tại và trong tương lai rất lớn như: Marketing, Công nghệ đa phương tiện, An toàn thông tin, Truyền thông đa phương tiện... Hàng năm, Học viện đào tạo quy mô lên tới hàng ngàn sinh viên, có những ngành như CNTT, Điện tử - Viễn thông đang có tới 700 – 800 sinh viên theo học. Tính tới 30/6/2015, tổng số học viên, sinh viên đang học tập tại Học viện là 18.256 người, trong đó có 14.497 sinh viên hệ chính quy”.

Đấy là điểm thành công nổi bật thứ nhất của Học viện. Còn điểm thành công thứ hai là Học viện đã đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu khoa học để phục vụ doanh nghiệp; có nhiều đóng góp cả về lĩnh vực khoa học công nghệ kỹ thuật, cả về kinh tế, quản lý doanh nghiệp. “Tính đến nay, Học viện đã có tới hơn 2.700 đề tài nghiên cứu. Phần lớn các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đều được đưa vào ứng dụng trong thực tế, chứ không đưa vào tủ. Công tác nghiên cứu khoa học cũng đã đươc gắn với công tác đào tạo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo - thày cô am hiểu mạng lưới và các hệ thống CNTT-TT thực tế thì bài giảng càng thêm sinh động”, PGS.TS Lê Hữu Lập chia sẻ.

Bàn về câu chuyện xây dựng và phát triển thương hiệu Học viện, TS.Vũ Văn San, Phó Giám đốc phụ trách Học viện chia sẻ thêm: “Kể từ khi được chuyển từ VNPT về trực thuộc Bộ TT&TT, Học viện đã có thêm rất nhiều điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu trở thành trường trọng điểm về đào tạo CNTT-TT cho cả nước, và hướng tới đào tạo CNTT-TT cho các nước khác”. Khi chuyển về trực thuộc Bộ TT&TT, Học viện trở thành trường công lập quốc gia, không còn đào tạo riêng cho VNPT mà cho nhiều doanh nghiệp, sở, ban, ngành khác. Trước thuộc Tập đoàn VNPT, Học viện chỉ chuyên đào tạo bưu chính - viễn thông - CNTT. Giờ Bộ TT&TT có 5 lĩnh vực, Học viện về thuộc Bộ thì phải bám 5 lĩnh vực đó để phát triển hoạt động đào tạo. “Hiện Học viện đã có 9 ngành đào tạo. 3 năm gần đây, năm nào cũng có thêm ngành mới. Tháng 4/2015 vừa qua, Học viện được phép mở thêm ngành đa phương tiện, giờ đang tuyển sinh cho ngành này. Tương lai sẽ đào tạo cả ngành phát thanh - truyền hình và xuất bản”, TS.Vũ Văn San cho biết.

Mặt khác, khi về Bộ TT&TT thì công tác hợp tác quốc tế cũng được mở rộng và đạt hiệu quả cao hơn. Với thương hiệu uy tín của mình và sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, Học viện có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, về nghiên cứu khoa học, mở ra hướng có thể tạo thị trường việc làm quốc tế cho sinh viên sau khi ra trường. Những bước tiến mới trên hành trình hội nhập quốc tế sẽ hỗ trợ Học viện tiến nhanh hơn tới các chuẩn đào tạo quốc tế, khu vực và nâng cao chất lượng đào tạo hơn.

Chú trọng chất lượng

Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, cả PGS.TS Lê Hữu Lập và TS.Vũ Văn San đều khẳng định: “Chất lượng đào tạo là yếu tố sống còn để tạo sự khác biệt và sự phát triển vững chắc cho Học viện”. Ban Giám đốc Học viện đã quyết định từ năm nay sẽ tập trung nhiều vào chất lượng hơn số lượng sinh viên để giữ vững uy tín, vị thế, thương hiệu của Học viện. Kể cả số lượng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu thì vẫn quyết không hạ tiêu chuẩn đầu vào, không chạy theo sự tăng trưởng chỉ tiêu tuyển sinh. Đặc biệt, Học viện đã là một trong số những trường đầu tiên công bố chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo. Sinh viên, học viên phải đạt chuẩn này thì mới được tốt nghiệp. Chuẩn đầu ra gồm chuẩn về chuyên môn (tính theo các môn học, phải đạt điểm khá giỏi trở lên), và chuẩn về các kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng mềm. Trong đó, với chuẩn về tiếng Anh, trước đây Học viện yêu cầu học viên, sinh viên trước khi ra trường phải đạt chuẩn tiếng Anh TOEIC 450, nhưng từ khóa năm 2014, Học viện quy định theo chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo, yêu cầu phải đạt mức tiếng Anh B1 châu Âu. Còn về các kỹ năng mềm, Học viện đào tạo 7 môn kỹ năng mềm gồm kỹ năng soạn thảo văn bản, làm việc nhóm, thuyết trình, ứng xử giao tiếp, quản lý thời gian. Học viên, sinh viên phải học ít nhất 3 môn trong 7 môn đó.

Thống kê cho thấy, kể từ khi Học viện áp dụng chuẩn đầu ra, ước tính gần 10% sinh viên ra trường chậm hơn các bạn đồng khóa vì không đạt chuẩn, thậm chí nhiều trường hợp không ra được trường, bị đuổi học. Tuy nhiên, với những sinh viên, học viên đã tốt nghiệp thì có tới 97 – 98% tìm được việc làm nhanh chóng ngay sau khi ra trường. Hướng tới chú trọng chất lượng đào tạo, Học viện đang lên kế hoạch chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo trình, thư viện, đội ngũ... để tổ chức quốc tế vào kiểm định và công nhận đạt chuẩn quốc tế tiên tiến. Học viện đã đặt yêu cầu đội ngũ giảng viên phải đảm bảo khả năng giảng được một tỷ lệ nhất định số môn học trong chương trình bằng tiếng Anh để có thể đào tạo được cả sinh viên quốc tế. Theo đó, yêu cầu trình độ của giảng viên phải đạt trình độ tối thiểu IELT 5.5, tiến sĩ phải đạt chuẩn B2, thạc sĩ phải đạt chuẩn B1. Hiện Học viện đang gấp rút triển khai việc đào tạo lại tiếng Anh cho các thày cô giáo, khuyến khích các thày cô học thêm ở ngoài.

Ngoài ra, từ năm 2015, giáo viên cũng phải tham gia nghiên cứu khoa học để tăng chất lượng giảng dạy. Học viện sẽ tạo điều kiện cho giáo viên tham gia hội thảo, hội nghị để tích lũy kiến thức thực tế; tạo chuyên san để giáo viên và sinh viên đăng tải các bài nghiên cứu khoa học. Học viện cũng đang tích cực đầu tư mạnh tới giáo trình đạt chuẩn quốc tế và các phòng thí nghiệm phục vụ đa ngành, chuyên ngành. Sau Samsung, một số doanh nghiệp lớn như VNPT MobiFone, Viettel cũng đã công bố dự định sẽ trở thành đối tác quan trọng của Học viện, tiếp tục hỗ trợ các phòng lab, để nâng cao chất lượng đào tạo và tiếp nhận sinh viên sau khi ra trường…