Một người đàn ông đã được đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện ở Calgary (Canada) ngay sau khi ăn món cá hồi sống, và bị nhiễm giun Anisakis trong dạ dày.





Các bác sĩ ghi nhận đây là trường hợp đầu tiên phát hiện giun Anisakis trong bệnh nhân sau khi ăn cá hồi mua tại cửa hàng.

Xu hướng ẩm thực cá hồi sống trong các món như sashimi ngày càng phổ biến, các bác sĩ cảnh báo rằng những trường hợp nhiễm ký sinh trùng tương tự sẽ ngày càng dễ gặp hơn.

Nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Stephen Vaughan đứng đầu đã báo cáo kết quả vụ việc trên lên tạp chí Bệnh truyền nhiễm và vi sinh học Canada.

Theo báo cáo, một người đàn ông 50 tuổi được đưa đến phòng cấp cứu do nôn mửa và đau bụng, khoảng một giờ sau khi ăn món cá hồi sống. Cơn đau kéo dài suốt 6 giờ đồng hồ, ngày càng tăng và bệnh nhân sốt đến 39 độ C.

Sau khi chụp X-quang và xét nghiệm phân, cho kết quả "không có gì đáng chú ý," bác sĩ đã nội soi bên trong dạ dày của bệnh nhân.

Lập tức họ phát hiện những con giun nhỏ - dài từ 1 đến 2 cm – đang ngoe nguẩy trong những vết loét dạ dày. Hai con giun đã được gắp ra và được xác định là Anisakis, một loài ký sinh trùng sống trong cá và thủy sản.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng món cá sống được làm tại nhà có thể chứa giun Anisakis và một số loài ký sinh trùng nguy hiểm khác vì cá không được đông lạnh, trong khi tại các nhà hàng sushi việc đông lạnh cá có thể giết được những ấu trùng nhỏ xíu của giun.
Một số địa phương có quy định cá sống phải được đông lạnh trước khi mang ra phục vụ thực khách tại các nhà hàng, nhưng quy định này không bắt buộc với các cửa hàng thực phẩm nhỏ.
Báo cáo khuyến nghị rằng cá mua từ các cửa hàng thực phẩm về nên giữ đông lạnh ở -20 độ C trong một tuần (hoặc ở nhiệt độ lạnh hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn) trước khi mang ra ăn sống.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các trường hợp giun chui dạ dày tương tự có thể xảy ra thường xuyên hơn bởi hiện nay các món sushi và sashimi được tiêu thụ ngày càng tăng trên toàn thế giới.